Chị Nguyễn Thị Linh cho biết, mới đây chị nhận được tin nhắn qua Facebook của em chồng đang công tác tại Nhật, nói là sẽ chuyển cho chị 30 triệu đồng vào tài khoản của chị, để chị rút ra biếu bố mẹ. Qua tin nhắn, em chị bảo chị chuyển các thông tin về số tài khoản, số điện thoại của chị, để thực hiện dịch vụ chuyển tiền qua mạng cho thuận tiện.
Sau khi cung cấp thông tin, chị có nhận được 1 tin nhắn vào điện thoại. Tin nhắn có chỉ dẫn là của ngân hàng, hướng dẫn chị cách truy cập vào hệ thống để nhận tiền. Sau khi truy cập và điền các thông tin theo hướng dẫn của đường link từ tin nhắn này, thay bằng việc nhận được 30 triệu đồng trong tài khoản, toàn bộ tiền trong tài khoản của chị lại bị rút sạch.
Thủ đoạn trong vụ việc này là sau khi dụ người bị hại truy cập vào đường link ảo, chúng đã ghi lại được thông tin cũng như mật khẩu dùng để giao dịch ngân hàng qua mạng của chị Linh, sau đó dùng chính các thông tin này để truy cập vào hệ thống chính thức của ngân hàng, kiểm tra được tài khoản của chị có bao nhiêu tiền.
Do muốn rút được tiền, cần phải lấy được mã OTP (mã số bảo mật) mà ngân hàng gửi riềng cho chị Linh, nên trên đường link ảo, chúng đã tìm cách hướng dẫn chị điền mã số này, sau đó dùng nó để rút hết tiền trong tài khoản của chị.
Sau khi bị lừa, phần lớn người bị hại thường liên hệ ngay với ngân hàng để yêu cầu hủy bỏ kết quả giao dịch, không cho đối tượng rút tiền ra để sử dụng. Thế nhưng việc dừng này rất chậm. Do ngân hàng sợ bị kiện nên yêu cầu các thủ tục rườm rà, nhiều văn bản yêu cầu nên nhiều khi xong thủ tục, tiền đã bị đối tượng lừa đảo rút.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!