Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 1/4 tổng số xe ô tô trên cả nước dán thẻ thu phí tự động, còn 3/4 số trạm BOT vẫn chưa ký hợp đồng triển khai dịch vụ.
Về bản chất thu phí tự động sẽ giúp các lái xe rút ngắn thời gian qua trạm, minh bạch, quản lý tiện lợi nhưng tại sao các lái xe lại không mặn mà với việc thu phí này?
Cách đây hơn 3 năm, theo hợp đồng ký kết với Bộ Giao thông Vận tải, VETC được thành lập để triển khai dự án thu phí không dừng, cung cấp dịch vụ thu phí cho nhà đầu tư BOT. Giai đoạn một của dự án được triển khai tại 44 trạm BOT. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa ký được hợp đồng hay phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ với 3/4 số trạm thu phí trong kế hoạch. Ngay cả những trạm đã ký kết thực hiện, tỷ lệ xe sử dụng thu phí tự động không dừng chỉ đạt 10%.
Theo nhiều chủ xe và tài xế, việc nộp tiền cho tài khoản phục vụ thu phí không dừng làm phát sinh chi phí. Bên cạnh đó, mỗi thẻ thu phí chỉ áp dụng cho một số trạm nên một xe bắt buộc phải sử dụng nhiều loại thẻ khi đi qua các trạm BOT khác nhau.
Vướng mắc nữa có thể coi là mấu chốt nhất khiến dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 liên tục gặp vấn đề là do mâu thuẫn trong trích lập doanh thu giữa VETC và các nhà đầu tư BOT.
Hiện nay, trên cả nước chỉ có 800.000 phương tiện đăng ký thẻ thu phí tự động không dừng so với con số dự tính ban đầu là 3,5 triệu phương tiện, chưa đến 1/4 số lượng xe.
Cách đây nửa tháng, VETC đã xin rút khỏi dự án thu phí không dừng và xin phá sản. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải không đồng thuận giải pháp dừng triển khai dự án hoặc Nhà nước tiếp nhận lại dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 và yêu cầu VETC phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký.
Cách đây 1 tuần, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ gia hạn tiến độ dự án giai đoạn 2 sang năm 2020 và cam kết đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!