Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế và ổn định cuộc sống.
Sau đây là 10 sự kiện, vấn đề nổi bật trong nước do VTV bình chọn:
1. CÁC SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
Đầu năm 2021, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại diện cho hơn 5,1 triệu Đảng viên, gần 1.600 đại biểu bầu 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Sáng 1/2, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp phiên bế mạc sau hơn 7 ngày làm việc. Đại hội thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, nhiệm vụ đề ra. Trong ảnh: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII ra mắt Đại hội. ẢNh: VGP
Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Tháng 5 năm nay, cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã ghi dấu ấn với tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất trong lịch sử 99,60% cử tri.
Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội.
Lần đầu tiên, để triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những phiên họp đầu tiên của Quốc hội, Chính phủ, và các Hội nghị toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các ngành Nội chính, xây dựng Đảng, văn hóa, đối ngoại đã được tổ chức với quy mô rất lớn.
2. PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực. Việc mở rộng cả nội hàm, lẫn đối tượng, phạm vi trong lĩnh vực này đã xác định sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc cần phải chống.
Trong năm 2021 nhiều vụ việc và hành vi tiêu cực được xử lý với quan điểm nhất quá "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
3. DỊCH COVID-19 DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục hành hoành trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Với tinh thần coi sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương. Ảnh: VGP
Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta bùng phát từ cuối tháng 4, lan rộng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ghi nhận trên 1,7 triệu ca nhiễm mới và trên 32.000 ca tử vong. Hơn 24.000 cán bộ y tế, gần 240.000 cán bộ, chiến sỹ được huy động để hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch COVID-19 từ không có ca mắc sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thông qua Nghị quyết 128 của Chính phủ.
4. CHIẾN DỊCH TIÊM VACCINE
Năm 2021, Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay đã được thực hiện. Tổng số vaccine đã được tiêm là 172 triệu liều. Chiến dịch ngoại giao lớn đã mang về cho Việt Nam hàng chục triệu liều vaccine.
Việt Nam từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối chậm trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới. Chiến dịch tiêm chủng thần tốc đang tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Ảnh: VGP
Quỹ vaccine cũng đã huy động được gần 9.000 tỷ đồng từ các cá nhân và tổ chức. Tỷ lệ tiêm phòng cao cho phép Việt Nam triển khai Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.
5. NỀN KINH TẾ VƯỢT KHÓ
Làn sóng OVID-19 lần thứ 4 làm đảo lộn kịch bản phục hồi kinh tế đặt ra hồi đầu năm. 9 tháng đầu năm, GDP chỉ tăng 1,42%.
Kinh tế duy trì tăng trưởng dương đã tạo nền tảng quan trọng để đất nước phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới. Ảnh: VGP
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã giúp tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn bị đình trệ. Đây là đòn bẩy quan trọng đưa GDP Quý IV bật tăng 5,22%, nâng mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%, củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về khả năng phục hồi của nền kinh tế.
6. XUẤT KHẨU LẬP KỶ LỤC
Hơn 668 tỷ USD là con số kim ngạch xuất nhập khẩu mà cách đây 3 tháng không ai có thể ngờ Việt Nam đạt được. Sau gần nửa năm trầm lắng, từ tháng 9, hoạt động xuất khẩu sôi động trở lại, chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại. Riêng tháng cuối năm có thêm khoảng 35 tỷ USD xuất khẩu và xuất siêu khoảng 2,54 tỷ USD, nâng mức xuất siêu cả năm đạt 4 tỷ USD.
7. HỌC SINH KHÔNG THỂ ĐẾN TRƯỜNG
9 tháng ở nhà do dịch, học sinh lớp 1 chưa một ngày được đến trường, việc học hành chủ yếu qua Internet, truyền hình, nhiều em không có thiết bị để học.
Các địa phương và nhà trường đã áp dụng linh hoạt nhiều hình thức dạy học, hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh.
9 tháng ở nhà cách ly do dịch cũng khiến học sinh phải đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn về sức khỏe và tâm lý, cần được gia đình và nhà trường quan tâm đúng mức.
8. CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG
Năm 2021 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ số. Thương mại điện tử tăng trưởng 30% so với năm ngoái; doanh thu vượt 15 tỷ USD.
Ứng dụng PC Covid có hơn 32 triệu người sử dụng, giúp truy vết F0, bằng việc quét mã QR tại các điểm công cộng. Bộ Công an triển khai cấp căn cước công dân gắn chip, liên thông dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tất cả nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
9. CAM KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metal - những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại hội nghị các bên tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 26.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Ảnh: TTXVN
Cam kết khẳng định trách nhiệm cũng như vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, được dư luận và truyền thông quốc tế đánh giá rất cao, nhất là với 1 nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ.
10. CHẤN CHỈNH ỨNG XỬ LỆCH LẠC TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Tin giả, tin xuyên tạc về dịch bệnh bị xử lý trong năm 2021 tăng hơn 6 lần so với năm trước. Quảng cáo sai sự thật, livestream, phát ngôn phản cảm trên mạng xã hội cũng bùng nổ, đặc biệt trong những tháng đầu năm.
Song hành với giải pháp xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự, lần đầu tiên, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Quy tắc ứng xử cho người hoạt động nghệ thuật được ban hành, tạo hành lang nhận thức chuẩn mực hơn cho cộng đồng, trong đó có người nổi tiếng, người hoạt động nghệ thuật, người có ảnh hưởng tới công chúng.
Năm 2021, một năm đầy cam go, thử thách, với những đau thương, mất mát do dịch bệnh. Nhưng 2021 cũng là một năm ghi dấu ấn với những quyết sách chủ động, linh hoạt kịp thời, bám sát thực tiễn.
2021 là năm của đoàn kết, trên dưới một lòng, cả đất nước nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, để từng bước hồi phục kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho một năm 2022 với những cơ hội mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!