16 mốc thời gian quan trọng về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2021

PV-Thứ sáu, ngày 26/02/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 dự kiến là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và giới thiệu thêm về bầu cử đã nêu rõ các nội dung và các mốc thời gian trong triển khai công tác bầu cử.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13; Nghị quyết số 133/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng bầu cử xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Kế hoạch này đã nêu rõ 16 mốc thời gian quan trọng trong kỳ bầu cử này:

16 mốc thời gian quan trọng về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2021 - Ảnh 1.

Theo Trang TTĐT Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kế hoạch cụ thể như sau:

Tổ chức các Hội nghị triển khai công tác bầu cử

Ở trung ương, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Ở địa phương, ngay sau khi Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử, Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở địa phương mình.

Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử

Ở Trung ương: Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 118/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, xác định Hội đồng bầu cử quốc gia có 21 thành viên, gồm đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện một số cơ quan, tổ chức hữu quan do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ở địa phương: Việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử được tiến hành theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Thành lập Ủy ban bầu cử chậm nhất là ngày 7/2/2021 (105 ngày trước ngày bầu cử)

Ủy ban bầu cử tỉnh, thành phố: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có từ 21 – 31 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ủy ban bầu cử cấp huyện, Ủy ban bầu cử cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử huyện, Ủy ban bầu cử xã để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Ủy ban bầu cử huyện có từ 11 – 15 thành viên, Ủy ban bầu cử xã có từ 9 – 11 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Thành lập Ban bầu cử chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử)

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 – 15 thành viên để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Thành phần Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm đại diện cử tri ở địa phương.

Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 11 – 13 thành viên; Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có 9 – 11 thành viên; Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 7 – 9 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên.

Thành lập Tổ bầu cử chậm nhất là ngày 3/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử)

Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử đề thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tổ bầu cử có từ 11 – 21 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Ở đơn vị vũ trang nhân dân, được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng được thành lập mỗi một Tổ bầu cử có từ 5 – 9 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân.

Trong trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với thường trực Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 – 21 thành viên, gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.

Công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 4/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử)

Luật Tổ chức Quốc hội quy định tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 4/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Các địa phương gửi dự kiến danh sách đơn vị bầu cử ở địa phương mình về Hội đồng bầu cử quốc gia 85 – 90 ngày trước ngày bầu cử (khoảng 22/2 – 27/2/2021)

Về số đại biểu Hội đồng nhân dân: Số đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 4/3/2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Thời điểm diễn ra hội nghị hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1186/2021/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất: Chậm nhất là 17/2/2021 (95 ngày trước ngày bầu cử). Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 2: Chậm nhất là 19/3/2021 (65 ngày trước ngày bầu cử). Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3: Chậm nhất là 18/4/2021 (35 ngày trước ngày bầu cử). Sau Hội nghị hiệp thương, Biên bản phải được gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia.

Nộp hồ sơ người ứng cử đại biểu chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử)

Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử nộp 2 bộ Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu và người tự ứng cử nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.

Thời gian: chậm nhất là 17 giờ ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử).

Ủy ban bầu cử ở tỉnh sau khi nhận hồ sơ ứng cử, chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương về Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng thời chuyển lý lịch trích ngang kèm bản sao tiểu sử tóm tắt và kê khai tài sản đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương.

Lưu ý, công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp.

Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).

Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc việt Nam và Ủy ban bầu cử ở tỉnh gửi đến chậm nhất là ngày 28/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).

Việc lập và niêm yết danh sách cử tri chậm nhất là 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử)

Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử), đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Việc lập và niêm yết danh sách cử tri được thực hiện theo quy định tại các Điều 31 và 32 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021

Các vấn đề liên quan đến tổ chức bầu cử như: thẻ cử tri, khu vực bỏ phiếu, địa điểm bỏ phiếu, xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ; báo cáo tình hình trong ngày bầu cử; biên bản xác định kết quả bầu cử; công bố kết quả bầu cử và tổng kết cuộc bầu cử ... đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các Nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Công bố danh sách những trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 12/6/2021; danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chậm nhất ngày 02/6/2021

Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ vào Biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước công bố kết quả bầu cử và danh sách những trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 12/6/2021 (20 ngày sau ngày bầu cử).

Ủy ban bầu cử ở tỉnh công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chậm nhất ngày 02/6/2021 (10 ngày sau ngày bầu cử).

Hội đồng bầu cử quốc gia xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa XV về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Ủy ban bầu cử xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

Ngoài ra, Kế hoạch triển khai công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đề cập đến các nội dung về tổng kết công tác bầu cử, công tác tuyên tuyền, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội trong công tác bầu cử, kiểm tra, giám sát bầu cử.

Chánh Văn phòng hội đồng bầu cử Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện bám sát quy định của pháp luật về bầu cử, trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Hội đồng bầu cử quốc gia để xem xét, giải quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước