9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:20 GMT+7

VTV.vn - Tính đến 0 giờ ngày 16/2, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 52 tỉnh thành, 7 bộ ngành có kế hoạch lấy ý kiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ.

Đất đai là không gian sinh tồn của dân tộc và Luật đất đai ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có ý nghĩa rất lớn. 

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 23/12/2022, một tuần sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày 15/3 năm nay. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ thì tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, mà một trong những nguyên nhân là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. 

Tính đến 0 giờ ngày 16/2, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 52 tỉnh thành, 7 bộ ngành có kế hoạch lấy ý kiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ. Con số này tăng lên đáng kể so với một tuần trước đó khi mới chỉ có 28 bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cho thấy sự chuyển biến tích cực nhằm thực hiện yêu cầu trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm túc, khẩn trương triển khai việc thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Việc tiếp thu ý kiến và thể hiện ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hết sức quan trọng

Theo ông Đào Trung Chính - Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định việc tiếp thu ý kiến và thể hiện ý kiến của nhân dân hết sức quan trọng. 

Ông Chính lấy ví dụ như năm 2008-2009, khi hoàn thiện chính sách về bồi thường và hỗ trợ tái định cư, lúc đầu cơ quan soạn thảo cho rằng làm sao giá đất nông nghiệp bồi thường sát với thị trường. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến người dân thì nổi lên một vấn đề là lấy đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phi nông nghiệp làm gia tăng quyền sử dụng đất. Như vậy việc chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp như thế nào? Trên cơ sở ý kiến của người dân, cơ quan soạn thảo đã trình và được thông qua một cơ chế chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp việc làm. Tức là ngoài bồi thường đất còn thêm một khoản chia sẻ lợi ích với người dân từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp.

Với việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), theo ông Chính, trong kế hoạch của các địa phương yêu cầu rất cụ thể: Lấy ý kiến những đối tượng nào, các sở ngành nào phải tham gia, hệ thống ngành dọc nào phải lấy ý kiến từ cơ sở cho đến cấp tỉnh… Trên cơ sở lấy ý kiến sẽ tổng hợp theo mẫu chung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gợi ý giúp việc tổng hợp nhanh và gọn hơn. 

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ và tỉnh, thành tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ này.

Theo kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ cũng đã nêu 9 vấn đề trọng tâm:

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

- Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

- Phát triển quỹ đất

- Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất

- Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai

- Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất

- Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất

- Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực

- Hộ gia đình sử dụng đất

Bên cạnh đó, hàng chục nội dung trọng tâm được lấy ý kiến theo từng nhóm đối tượng, như các tầng lớp nhân dân định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học. Trong hơn một tháng qua, các nội dung này đã nhận được sự góp ý của các tầng lớp nhân dân. 

Ông Đào Trung Chính cho biết các ý kiến đóng góp của người dân sẽ được tổng hợp và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền là Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường… cũng như sẽ công khai bản báo cáo cho người dân được biết các ý kiến của mình đã được tổng hợp như thế nào. Trên cơ sở đó, ban soạn thảo, tổ biên tập, Chính phủ sẽ chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến. Các ý kiến được tiếp thu thì thế nào, các ý kiến không được tiếp thu thì giải trình ra sao sẽ được làm rõ.

9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 3.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua 3 kỳ họp của Quốc hội

Luật Đất đai, một trong những đạo luật quan trọng nhất được sửa đổi... nhằm giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; hài hòa quyền, lợi ích, cũng như thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. 

Do đó, việc sửa đổi Luật đất đai lần này rất quan trọng và việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật có vai trò quan trọng không kém. Theo kế hoạch của Chính phủ, Báo cáo kết quả lấy ý kiến phải gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả lấy ý kiến để trình Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai trước ngày 1/4. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước