Chiều 9/9, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - Trưởng đoàn ĐBQH Việt Nam dự AIPA đã dự và phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Xã hội AIPA.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên qui mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh hiện nay, cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng và cơ chế khẩn cấp, cũng như đảm bảo mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của quản lý mỗi quốc gia; từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm và trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng là một trong những ưu tiên: để ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro của COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước và của cả cộng đồng ASEAN.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trang thông tin điện tử AIPA)
Trưởng đoàn ĐBQH Việt Nam dự AIPA khẳng định, là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: "Tại Hội nghị này, tôi mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các thách thức về dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực lao động, vấn đề việc làm, đến phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục và dạy nghề, việc bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, rác thải và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội..., từ đó đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng rằng, qua Hội nghị, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những bài học quan trọng rút ra từ mỗi nước và hơn cả là sáng kiến về sự phối hợp giữa các nước nhằm tối ưu hóa và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và nghị viện thành viên ASEAN, qua đó nâng cao vai trò vị thế của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với COVID-19, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong cộng đồng ASEAN.
Việt Nam đã kiểm soát đại dịch COVID-19 như thế nào?
Thay mặt Đoàn ĐBQH Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đã trình bày tham luận về "Việc kiểm soát đại dịch COVID-19 tại Việt Nam" tại Hội nghị Ủy ban Xã hội AIPA 41.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày tham luận tại Hội nghị.
Về những biện pháp đã được triển khai, Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với quan điểm "chống dịch như chống giặc" và thực hiện nguyên tắc "chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh", "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" truy tìm F1, F2.
Bên cạnh đó là các biện pháp mạnh mẽ như giãn cách xã hội. Ngày 1/4/2020, khi có 212 ca nhiễm tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch COVID-19 và bắt đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.
Việt Nam cũng tiến hành cách ly các bệnh nhân và người tiếp xúc (F0, F1) 14 ngày cũng như kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày với tất cả các trường hợp nhập cảnh.
Về phòng và điều trị COVID-19, Việt Nam chủ động sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở…; đã chủ động máy thở, có xuất khẩu các nước…
Việt Nam cũng nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm COVID-19; đặc biệt Việt Nam đã sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Hiện đang nghiên cứu vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị.
Một số biện pháp phòng, điều trị bệnh khác như chủ động xây dựng phác đồ điều trị dịch bệnh; bảo đảm được các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị COVID-19; ứng dụng công nghệ trong khai báo y tế (ứng dụng NCOVI), cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (ứng dụng Bluezone) cùng nhiều giải pháp mới trong khám chữa bệnh được triển khai như khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh qua phần mềm điện tử, khám chữa bệnh tại nhà.
Việt Nam cũng thực các biện pháp ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh gồm giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (các chính sách về miễn, giảm hoặc gia hạn nộp thuế; hạ lãi suất cho vay...); bảo đảm an sinh xã hội (trợ cấp đối với một số nhóm đối tượng); phát động cuộc vận động "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19" với tính thần "lá lành đùm lá rách" của người dân Việt Nam; chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tung tin giả về dịch bệnh gây hoang mang dư luận; hành vi không chấp hành cách ly, khai báo y tế; hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, đưa người nước ngoài đang ở Việt Nam về nước; tạo điều kiện chuyên gia vào làm việc theo kiểm tra nghiêm ngặt về dịch tễ.
Việc truyền thông xã hội về dịch bệnh cũng được thực hiện hiệu quả với các biện pháp: huy động toàn bộ hệ thống báo chí, thông tin; đẩy mạnh công tác truyền thông, tận dụng các loại hình để thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch bệnh.
Một khu vực dành cho người được cách ly (Nguồn: TTXVN)
Từ cuối tháng 7 đến nay, khi dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng và một số tỉnh, với nhiều khó khăn và thách thức hơn, Việt Nam bình tĩnh, cảnh giác, chỉ thực hiện cách ly xã hội với vùng có dịch, các khu vực khác tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch; tăng cường năng lực xét nghiệm nhanh, đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh; thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trong việc kiểm soát dịch bệnh, Quốc hội Việt Nam đã đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày…).
Quốc hội cũng thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19; thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế; ban hành các Nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Đến nay về cơ bản, Việt Nam đã kiểm soát tốt, ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm thứ 2. Đến hôm nay đã 7 ngày liên tiếp Việt Nam chưa phát hiện ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Tình hình dịch tễ bệnh COVID-19 tại Việt Nam
- Ngày 23/1/2020, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện.
- Sau 99 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc mới tiếp theo vào ngày 24/7/2020.
- Ngày 31/7/2020, Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên bệnh nhân COVID-19 tử vong.
- Đến thời điểm ngày 9/9/2020, tổng số ca nhiễm COVID-19 là 1.054, trong đó có 35 ca tử vong; đã chữa khỏi cho 868 người mắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!