Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong hoạt động ở cơ sở

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 14/06/2022 13:07 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tán thành với sự cần thiết ban hành luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Theo một số đại biểu, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất là ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi, liên quan đến quyền lợi của người lao động, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập cả về nội dung và hình thức, vai trò giám sát, phản biện của người dân, người lao động chưa rõ.

Theo ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: "Người lao động rất ngại tham gia giám sát, kiểm tra, góp ý kiến hoạt động của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, miễn sao quyền lợi của mình không bị hạn chế hoặc bị thu hẹp, không bị trù dập, được nâng lương theo kỳ... cho nên cần quy định rạch ròi, nội dung, phương thức nhiệm vụ quyền hạn để cho công chức viên chức, người lao động thực hiện phát huy dân chủ thì Luật sẽ vào cuộc sống được sự ủng hộ rộng rãi trong các tầng lớp".

Bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong hoạt động ở cơ sở - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà phát biểu. Ảnh: TTXVN

"Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân, nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn", Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) cho biết.

Nhất trí với tờ trình của cơ quan soạn thảo, theo nhiều đại biểu, để nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội cần tăng cường việc đối thoại với nhân dân nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn.

Trước đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập 2 đoàn giám sát của Quốc hội, giám sát 2 chuyên đề đã được Quốc hội lựa chọn cho năm 2023. Đó là giám sát về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" và giám sát về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước