Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Chiều 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,72% tổng số đại biểu Quốc hội.
Dự thảo Luật được Quốc hội thông qua gồm 7 Chương, 80 Điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang Điều khác, bổ sung 3 Điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trước khi dự án Luật được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh, về quy định trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng. có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày về Một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với những lĩnh vực đặc thù cần có các quy định của pháp luật chuyên ngành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng cần phải áp dụng cả pháp luật về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung (Chương II dự thảo Luật). Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát loại các loại hợp đồng này (các Điều 21, 28, 29 dự thảo Luật).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng (các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20); về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù (Chương III của dự thảo Luật), về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Chương V của dự thảo Luật).
Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và trong giao dịch điện tử.
Về điều khoản chuyển tiếp, ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật có một số chính sách mới. Do đó, đề nghị rà soát kỹ các chính sách này để bổ sung quy định chuyển tiếp phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh các khoảng trống pháp lý xảy ra trên thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 79 về điều khoản chuyển tiếp đối với giao dịch của người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh trước ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực và thời hạn chuyển tiếp của việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung để đảm bảo tính khả thi, tránh khoảng trống pháp lý xảy ra trên thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!