Biến bất lợi thành lợi thế phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ ba, ngày 08/06/2021 19:42 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù đời sống của nhân dân vùng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ không ngừng được cải thiện tuy nhiên đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước.

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước, là vùng "phên dậu", "lá phổi" của Tổ quốc; là "cội nguồn" của dân tộc và là an toàn khu, "cái nôi" của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc...

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.

Sau 17 năm (2004-2020) thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Phần lớn các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW cơ bản được hoàn thành. Quy mô nền kinh tế được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hệ thống đô thị vùng, đô thị trung tâm cấp vùng được hình thành. Lĩnh vực chính trị ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Tuy nhiên, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, bên cạnh những mặt tích cực, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp; du lịch phát triển chưa bền vững.

Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị trong quá trình tổng kết, các bộ ngành địa phương cần đi sâu làm rõ những lợi thế và thách thức; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đề xuất các giải pháp tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực này.

Kết quả xây dựng đề án sẽ là cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước