Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Liệu có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không?

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 14/08/2023 17:23 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, kiến nghị về một bộ sách giáo khoa của Nhà nước sẽ ảnh hưởng chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Đề nghị hết sức cân nhắc về một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông chiều 14/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu tiếp thu và giải trình về một số nội dung trong báo cáo giám sát.

Bộ trưởng cho rằng, Đoàn giám sát đã làm việc một cách rất nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, sâu sát thực tiễn, và với tinh thần thấu hiểu và xây dựng. Đoàn đã tiếp xúc nhiều và trực tiếp với các giáo viên đến với trường học, với những vùng sâu, vùng xa, với các cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở.

"Điều đáng quý nhất là sau đợt giám sát này, nhiều thành viên trong giám sát cũng bày tỏ rằng, đã có nhiều điều chỉnh trong cách nhìn về ngành giáo dục và có sự cảm nhận lạc quan hơn và tươi sáng hơn về trường học và giáo dục" – ông Sơn chia sẻ.

Liên quan kiến nghị của Đoàn giám sát về giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức cân nhắc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Liệu có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu

"Vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau về vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục. Còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ cho giáo viên để truyền tải chương trình. Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?" – trưởng ngành giáo dục phân tích.

Theo ông Sơn, trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng mà không cần theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, tinh thần cốt lõi của đổi mới mà Bộ đang ra sức hướng dẫn điều chỉnh là yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa. Coi đó là trọng tâm đổi mới phương pháp dạy học.

Việc này không chỉ ảnh hưởng tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK mà còn có thể tác động tới thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kiến nghị trên rất khác với nội dung Nghị quyết 122 năm 2020 cho phép Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức biên soạn các sách giáo khoa khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số tập thể và các cá nhân biên soạn. Vậy tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách sẽ không giải quyết được vấn đề.

"Ngành giáo dục và đào tạo kiến nghị rằng, việc triển khai đã đạt được kết quả quan trọng đáng ghi nhận đã tạo chuyển biến tích cực. Điều đó chứng tỏ chủ trương là đúng, đường đi là đúng, cách làm đang đúng. Những khó khăn, vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi nhưng đang được khắc phục và cải thiện để ngày càng tốt thêm. Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho đến hết chu kỳ đổi mới" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ.

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa

Về ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Đến năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Liệu có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa. Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung kiến thức phổ thông như hiện nay thì trách nhiệm xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông này, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội thảo luận, xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông.

Ông Vinh cho biết, Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị mở đó là "giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung" để làm thế nào nắm được nội dung bộ sách.

Lấy ví dụ sách dạy tiếng dân tộc thiểu số đã biên soạn nội dung nhưng chưa in ấn phát hành, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng không nên tính tiền bản quyền và tính giá bản quyền trong giá sách giáo khoa.

Tham gia ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Liệu có cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước hay không? - Ảnh 3.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu

Như vậy khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13. Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.

Bên cạnh đó, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành giáo dục, đào tạo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88. Nếu trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ và Bộ GD&ĐT thấy rằng cần điều chỉnh thì báo cáo lại Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Đoàn giám sát về vấn đề này.

Kiến nghị chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra việc chiết khấu sách giáo khoa Kiến nghị chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra việc chiết khấu sách giáo khoa

VTV.vn - Đoàn giám sát đánh giá việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian; giá bộ SGK mới cao hơn từ 2-4 lần so với bộ cũ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước