Sáng nay (21/8), tại Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội...
Hội nghị kết nối đến nhiều điểm cầu trên toàn quốc.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm nhìn nhận, đánh giá tổng thể công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời gian qua của ngành Y tế, đặc biệt trong 2 năm gần đây, khi dịch COVID-19 xâm nhập nước ta và bùng phát trên diện rộng.
Thực tế trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, có mặt khởi sắc ấn tượng; Việt Nam là một trong những quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Đồng thời, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.
Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước; sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn "hậu COVID" ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía Nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ “dịch chồng dịch”, nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.
Trên cơ sở những bài học đúc kết được qua thực tiễn những năm qua, tại Hội nghị lần này, Bộ Y tế đã xác định 12 giải pháp lớn cần triển khai để khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho toàn ngành, đồng thời cải thiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. 12 giải pháp lớn bao gồm:
1. Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong đó, tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19.
2. Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương khen thưởng để động viên tinh thần lực lượng ngành Y tế yên tâm công tác.
3. Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công.
4. Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế và bảo hiểm y tế: Kiến nghị tăng tỷ trọng chi của ngân sách Nhà nước và bảo hiểm xã hội trong tổng chi cho y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết tồn tại về tổng mức thanh toán; đảm bảo việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp.
5. Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; các đơn vị cấp khu vực, vùng. Xây dựng, hoàn thiện các Quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; đặc biệt về y tế dự phòng, y tế cơ sở; đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
6. Nâng cao năng lực quản trị hệ thống y tế. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền theo quy định. Cải cách thủ tục hành chính. Hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Siết chặt quản lý nhà nước về cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm. Chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
7. Đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh y tế. Thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, trong đó có hoàn thiện Gói dịch vụ y tế cơ bản. Quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động. Tăng cường năng lực giám sát và dự báo dịch bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin. Đổi mới công tác dân số và phát triển, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe; làm tốt công tác an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý môi trường y tế. Khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm.
8. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ; bảo đảm vận hành hiệu quả hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện, chăm sóc toàn diện người bệnh và nâng cao sự hài lòng của người bệnh ở các tuyến. Phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; phát huy lợi thế y học cổ truyền, kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Sớm ban hành Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.
9. Đẩy mạnh phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; giải quyết triệt để các hồ sơ tồn đọng. Cải cách hành chính; thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế; hoàn thiện cơ chế đầu tư, mua sắm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hóa có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
10. Phát triển nhân lực và khoa học, công nghệ y tế. Đổi mới việc thi, cấp chứng chỉ hành nghề, hình thành các trung tâm thi cấp chứng chỉ theo chuẩn mực quốc tế; đào tạo bác sĩ cho các nước; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cho các tỉnh miền núi, dân tộc, tỉnh khó khăn; từng bước cải thiện điều kiện và các chính sách thu hút, đãi ngộ với nhân viên y tế. Đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong y học; hình thành các trung tâm nghiên cứu y học mạnh gắn với các trường, các viện nghiên cứu và các bệnh viện. Thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm trong nước. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân.
11. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Tích cực tham gia xây dựng các chính sách, giải quyết các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam; đồng thời thể hiện trách nhiệm đóng góp phù hợp với cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường áp dụng các chuẩn mực y tế trong nước theo hướng cập nhật với khu vực và thế giới.
12. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ ngành. Thực hiện các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chú trọng phát triển các loại hình truyền thông mới. Gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
6 BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA NGÀNH Y TẾ:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán, kịp thời theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành các chương trình, kế hoạch hành động theo đúng chỉ đạo, có tính phù hợp, khả thi đối với ngành, cơ quan, tổ chức; tập trung tổ chức việc học tập, quán triệt tới các tập thể, cá nhân trong toàn ngành, đồng thời tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
2. Nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ, đồng thời có các chế tài để bảo đảm hiệu quả, đánh giá việc thực thi nhiệm vụ. Chú trọng tổng kết, đánh giá thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm gắn với nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh. Phát huy tối đa vai trò, lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
3. Chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển. Khi xây dựng các chính sách, quy định phải tính đến tác động ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, chủ thể khác nhau để tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện, hạn chế tối đa phát sinh thêm các thủ tục hành chính.
4. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch và các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp; huy động nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp.
5. Tập trung đẩy nhanh đầu tư, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng từ sớm; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
6. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội và định hướng dư luận, kịp thời công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, tự giác thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe cá nhân và gia đình, cộng đồng. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực thi nhiệm vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!