Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đến thăm và động viên một số bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Trong hơn 2 năm qua kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu đã có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng; giảm cả tổng cầu và tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn dự kiến; tạo thách thức cho các Chính phủ trước các áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, có mặt khởi sắc ấn tượng; Việt Nam là một trong những quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương. Đồng thời, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường. Ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phù hợp với tình hình.
Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước; sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn "hậu COVID" ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca nhiễm có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại khu vực phía Nam, Tây Nguyên; thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... dẫn đến nguy cơ "dịch chồng dịch", nguy cơ quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở vốn đã gồng mình chống dịch trong giai đoạn vừa qua.
Thời gian tới, mô hình bệnh tật thay đổi với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi; sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Xu hướng thị trường hóa, tư nhân hóa và xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng một hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Kinh tế phát triển cũng dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kỳ vọng nhiều hơn vào việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Hội nghị lần này sẽ phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trong đó, đáng chú ý có những vấn đề đang nổi cộm hiện nay, như:
- Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập.
- Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn chậm, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý và thực tiễn.
- Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.
- Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác.
- Tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt.
- Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Người dân khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, dẫn đến quá tải và tử vong. Nhân lực y tế tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu, phải điều động lượng lớn từ trung ương và các địa phương khác khi dịch bùng phát.
- Tồn đọng hồ sơ, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của doanh nghiệp; còn nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký (thiếu chuyên gia, chất lượng hồ sơ nộp thấp, mức thu phí thấp...)
- Hiện tượng sử dụng thuốc chưa hợp lý vẫn còn xảy ra, bán thuốc không theo kê đơn còn diễn ra phổ biến. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh còn cao, nguy cơ kháng thuốc đang gia tăng.
- Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị y tế thông dụng, hàm lượng công nghệ còn thấp, độ tin cậy chưa cao. Kiểm định, kiểm chuẩn trang thiết bị chưa được chú trọng đúng mức...
Trên cơ sở đó, Hội nghị sẽ phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn sứ mệnh cao cả: Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân của toàn ngành Y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!