Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức lớn, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội.
Cụ thể, trong đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Đến 31/1/2023 đã thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 529,4 nghìn tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 11/51 Bộ và 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Năm 2022, có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 9,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm làm lãng phí nguồn lực
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh nêu rõ, Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN; tiết kiệm triệt để chi NSNN, cắt, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đã tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng, nhiều Bộ, ngành, địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bình Dương...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cơ bản được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, tiết kiệm trên 8.546 tỷ đồng.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
"Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án" – ông Lê Quang Mạnh chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.
Đến ngày 31/01/2023, lũy kế giải ngân các dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 chỉ đạt 46.871,8 tỷ đồng, bằng 70,7% tổng kế hoạch; giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 9.409,2 tỷ đồng, bằng 7,86% kế hoạch vốn.
Tiến độ triển khai và giải ngân các dự án thành phần thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không bảo đảm quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, đến thời điểm 31/12/2022, mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch).
Ủy ban TCNS kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay, trong đó: cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 03 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng kiến nghị khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!