Chính phủ họp thường kỳ tháng 10. (Ảnh: VGP)
Hôm nay (29/10), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 10 để đánh giá tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và từ đầu năm đến nay.
Trong phiên họp sáng nay, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề thu chi ngân sách và tăng lương.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng 0,11% sau 2 tháng giảm liên tiếp nên Bộ này dự báo chỉ số giá tiêu dùng của năm nay vẫn sẽ tăng khoảng 2%. Trong lĩnh vực tiền tệ, tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng tiền gửi. Còn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ chỗ sụt giảm và không tăng như trước đây, trong 10 tháng qua đã đạt khá cao cả về vốn thực hiện lẫn vốn đăng ký. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là giá dầu thô và xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế và thu ngân sách Nhà nước. Còn nhập siêu dù vẫn ở mức cho phép nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng tới 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu chi ngân sách Nhà nước đến tháng này ước đạt 777.000 tỷ đồng, được hơn 85% kế hoạch. Trong đó, thu nội địa đạt 90% dự toán và tăng khá cao, chủ yếu tập trung ở ngân sách địa phương, còn ngân sách Trung ương hụt thu 31.000 tỷ đồng do giá dầu giảm. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, nhờ tiết kiệm chi lấy từ nguồn dự phòng và thu các khoản còn nợ đọng từ dầu khí, do đó ngân sách Trung ương chỉ còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng và dự kiến được lấy từ số thu được do cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. Các thành viên Chính phủ đã dành gần hết thời gian ngày hôm nay để thảo luận các phương án tìm nguồn để tăng chi cho chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng lương và thực hiện chuẩn nghèo mới.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ hiện nay là phải tăng thu ngân sách Nhà nước theo đúng luật. Đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ hết sức nỗ lực để đảm bỏ nguồn bù đắp 31.000 tỷ đồng, thiếu hụt của ngân sách Trung ương. 2015 sẽ cố gắng đảm bảo bù đắp được nguồn thu 31.000 tỷ, vì chỉ riêng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 17-20% cùng với mất 63.000 tỷ đồng, khẳng định sẽ đảm bảo cân đối được 31.000 tỷ, có nguồn để chi cho các khoản đã có kế hoạch chi,
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã thông qua chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho 5 năm tới. Trong đó, chuẩn mức sống tối thiểu là 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Chuẩn nghèo là người có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng ở thành thị. Còn chuẩn mức sống trung bình là 1,5 triệu đồng ở nông thôn và 1,95 triệu đồng ở thành thị. Ngưỡng thiếu hụt đa chiều đối với một hộ gia đình là từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Với chuẩn này, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của cả nước sẽ lên tới 12% và hộ cận nghèo khoảng 6%. Dự kiến ngay trong năm tới, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ số người nghèo và cận nghèo so với năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính bằng mọi cách tìm nguồn ngân sách để thực hiện thành công chuẩn nghèo đa chiều ngay trong năm đầu tiên.
Về vấn đề tăng lương, Thủ tướng khẳng định Chính phủ rất muốn tăng lương trong năm tới, tuy nhiên, do chưa thể cân đối được nguồn, do vậy, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình Quốc hội chưa tăng lương như phương án đã trình đến hết tháng 3/2016. Trong thời gian này, Chính phủ sẽ nghiêm túc tính toán kỹ lưỡng để đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các phương án tăng lương cụ thể. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ ủng hộ tinh thần tăng thêm 23.000 tỷ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới. Nhưng cũng do chưa tìm được nguồn cân đối ngân sách nên Chính phủ đề xuất phương án phát hành thêm trái phiếu Chính phủ hoặc lấy từ nguồn thu của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên 37 dự án thành phần do các bộ quản lý như Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây đều là các chương trình không thể lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới hay các chương trình khác vì sẽ không có hiệu quả.
Đối với việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, Thủ tướng đề nghị các Bộ cần tiếp tục giải thích để tạo được sự nhất trí cao. Đây không phải là việc buộc đi vay để trả nợ do không có tiền để trả các khoản nợ đến hạn mà do các khoản vay trước đây phải vay với lãi suất cao, nay do mức độ tín nhiệm quốc tế của Việt Nam tăng cao nên có thể vay được với lãi suất thấp để trả các khoản nợ đó. Việc này không làm tăng tổng nợ mà làm giảm được khoản tiền lãi phải trả. Nếu không quyết định sớm, nền kinh tế sẽ mất cơ hội.
Đề cập đến tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, qua tháng 10 và 10 tháng vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết tất cả các lĩnh vực. Trừ lĩnh vực nông nghiệp do những khó khăn xuất hiện từ đầu năm, thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu nông thủy sản giảm giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng thế giới về môi trường kinh doanh, Việt Nam đã tăng được 3 bậc, đứng thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được đánh giá. Trong đó, chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc. Chỉ số về tiếp cận điện năng tăng 22 bậc. Chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc và chỉ số về nộp thuế, trong đó có cả bảo hiểm xã hội tăng 4 bậc và giải quyết nợ xấu tăng được 2 bậc. Điều này cho thấy những giái pháp cải cách quyết liệt của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh đang phát huy tác dụng. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thảo luận với các Bộ liên quan để sớm miễn visa cho các công ty lữ hành của 19 nước mà Việt Nam mới miễn gần đây. Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tích cực tham gia phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc vào đầu tuần tới để giải thích và cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu và nhân dân cả nước.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã đồng ý để các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ 9 ngày tết Nguyên đán, từ 28 tháng 12 năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Bính Thân. Trong đó có 5 ngày nghỉ theo quy định của Bộ Luật lao động và 4 ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật của 2 tuần liền kề.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nhất trí ban hành quy định về tỷ giá ngoại tệ tính thuế trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời nhất trí về việc tiếp tục duy trì hoạt động của Quỹ phòng chống tội phạm đến hết năm sau. Chính phủ cũng đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh quản lý thị trường và Dự án Luật cảnh vệ.