Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Chiều 21/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Được thành lập cách đây 17 năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hiện có trên 400.000 hội viên ở 6.500 xã/phường trong 63 tỉnh, thành. Đến nay, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ được gần 2.700 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng hỗ trợ xây dựng nhà nghĩa tình, trợ cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm và chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân chất độc da cam.
Còn Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã trở thành địa chỉ để các thân nhân liệt sĩ cung cấp, kết nối thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cùng với tri ân hàng triệu liệt sĩ và hàng chục triệu thân nhân liệt sĩ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.
Trong những năm qua, Hội đã tích cực nghiên cứu và khảo sát để công nhận hàng nghìn liệt sĩ còn thiếu thông tin, đồng thời hỗ trợ lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và giám định ADN các hài cốt liệt sĩ. Hội cũng đã tặng hơn 800 nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, học bổng và hơn 35.000 suất quà các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Biểu dương và đánh giá cao Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, đã có biết bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trên các chiến trường ác liệt.
Cả nước hiện có trên 560.000 gia đình liệt sĩ, hàng triệu gia đình thương, bệnh binh và gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Do đó, công tác chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và được chỉ đạo liên tục, có hiệu quả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước ghi nhận những hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong thực hiện xã hội hóa công tác chăm lo các gia đình liệt sĩ và nạn nhân chiến tranh. Các hoạt động hiệu quả của hai Hội không chỉ góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác đền ơn, đáp nghĩa mà còn góp phần khẳng định sự chính nghĩa của hai cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh các hội viên, nhà tài trợ, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho hoạt động của 2 Hội, góp phần làm cho không khí đền ơn đáp nghĩa các liệt sĩ cùng với chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người bị nhiễm chất độc da cam dioxin trong hơn 5 năm qua càng ngày càng thực chất và có ý nghĩa hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng các bộ liên quan khẩn trương thành lập ngân hàng gen của thân nhân các gia đình liệt sĩ và liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây là việc làm không thể kéo dài lâu hơn nữa để sớm làm vơi bớt đi nỗi đau của các gia đình chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ.
Các bộ cũng cần tích cực nghiên cứu mô hình hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại các địa phương có nhiều gia đình thương binh liệt sĩ tạo sự gắn kết giữa Hội với chính quyền các địa phương. Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang xảy ra nặng nề ở nhiều tỉnh, thành, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm và chăm lo tới các gia đình thương binh, liệt sĩ và có công với cách mạng, không để các gia đình này quá khó khăn trong đại dịch.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm ngoái, cân đối ngân sách và xây dựng dự thảo Nghị định để từ năm nay, nâng tiền thờ cúng liệt sĩ từ 500.000 đồng lên 1,4 triệu đồng/năm. Còn mức tiền hỗ trợ chăm sóc thương binh tại nhà và tập trung cũng sẽ được nâng lên cao hơn so với mức hiện hành.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam chưa được công nhận để được hưởng chính sách người có công với cách mạng còn khá lớn. Nguyên nhân chính là những người này không lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ và bệnh tật khi giám định không nằm trong danh mục bệnh được quy định của Bộ Y tế. Trong khi đó, việc xét nghiệm người nhiễm chất độc da cam rất đắt đỏ, không thể thực hiện hết được. Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Y tế cần tích cực nghiên cứu giải quyết vấn đề này.
Về tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam vào đầu tháng 8 tới, Chủ tịch nước đề nghị Hội cần tổ chức các sự kiện trong dịp này thiết thực, hiệu quả nhất là phải bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra ra rất phức tạp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!