Chiều 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi Luật Đất đai và công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, sau hơn 9 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và gần 8 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tài nguyên đất đai được quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Tỷ lệ thu ngân sách từ đất tăng từ 9,58% năm 2013 lên 16,7% năm 2020.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ ra rằng, quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc làm việc này chính là sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội, đồng hành cùng chính phủ nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Luật nói chung và Luật đất đai sửa đổi nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc có nhiều Bộ trưởng cùng tới tham dự đã cho thấy tầm quan trọng của cuộc làm việc, thể hiện trách nhiệm tâm huyết để đóng góp cho thành công của Luật này. Các ý kiến góp ý sẽ giúp ích quan trọng cho cả cơ quan soạn thảo lẫn các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra.
Nhấn mạnh tài nguyên đất là một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội trong phân bổ dân cư lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai gắn với bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp, Cương lĩnh và nhiều đạo luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hệ thống chính sách pháp luật về đất đai ở nước ta đã được ban hành khá đầy đủ, khá đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Bộ Chính trị, diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, chưa sử dụng vẫn còn rất lớn. Nhiều chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Nhiều nơi còn buông lỏng quản lý dẫn tới đất đai bị hoang hóa, lấn chiếm dẫn tới thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, các vụ khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài liên quan đến đất đai còn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 73 - 75% tổng số vụ việc. Vì thế, việc hoàn thiện chính sách luật pháp nhằm khơi thông, giải phóng tối đa nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực nói chung gồm nhân lực vật lực, tài lực, trong đó có tài nguyên đất đai là rất quan trọng.
Nhấn mạnh sửa Luật Đất đai lần này có phạm vi tác động lớn và cũng rất khó bởi đây là lĩnh vực chuyên ngành chuyên sâu, do vậy Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, xuyên suốt quá trình chuẩn bị, xem xét và thông qua luật quan trọng này, cơ quan soạn thảo cần tổng kết thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 và đặc biệt là phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai được đề cập tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu việc sửa đổi Luật Đất đai cần vừa khắc phục tình trạng luật ống, luật khung, vừa khắc phục tình trạng quy định quá chi tiết dẫn tới tuổi thọ luật ngắn; đồng thời nhấn mạnh những vấn đề chưa rõ thì có thể cho làm thí điểm, tinh thần là phải kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của cuộc sống, không câu nệ.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vướng mắc nếu có thuộc về quy định của Luật hay trong quá trình thực thi cũng cần có phương án xử lý cho phù hợp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục có phải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, minh bạch hóa thị trường bất động sản; giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực về đất đai; cùng với đó phải đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương và phải đảm bảo đời sống việc, làm cho người bị thu hồi đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!