Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Hình thành lý thuyết phòng chống dịch
Sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Mai Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ về chương trình hành động ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau hai năm thực hiện chống dịch, chúng ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm, cũng đã phải trả giá, có cái chưa được. Từ kinh nghiệm đó, chúng ta dần dần thích ứng, dần dần hiểu được dịch bệnh và đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch như sau:
Thứ nhất, phải cách ly, nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất và giải tỏa nhanh nhất có thể.
Thứ hai, xét nghiệm vì virus không thể thấy không thể ngửi, nghe, sờ được.
"Phải xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm phải an toàn. Tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus" – Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus (Ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) - TTXVN)
Thứ ba, phải có các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn chuyển dịch, chuyển bệnh nặng, giảm tử vong.
Trên cơ sở ba trụ cột này, chúng ta đã có công thức 5K, sau đó là 5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức.
Thủ tướng tạm gọi đây là lý thuyết phòng chống dịch: "Vừa qua, chúng tôi cũng trao đổi lãnh đạo các nước về vấn đề này thì họ thấy chúng ta cũng mặc dù chưa tổng kết nhưng đã làm có bài bản. Trên cơ sở đó, chúng ta mới mới mạnh dạn mở cửa. Chúng ta cũng thấy bộc lộ yếu kém về y tế dự phòng và y tế cơ sở".
Theo Thủ tướng, để củng cố mặt yếu kém này, cần các công cụ tài chính và các biện pháp khác nhau. Quan trọng nhất là đầu tư nguồn nhân lực.
"Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị nhanh và sớm được. Nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì bác sĩ phải trải qua 6 năm, chưa kể học thêm mấy năm nữa. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, giải pháp là phải tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có chính sách để thu hút nguồn nhân lực về cơ sở" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề các chính sách hỗ trợ người dân, người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian qua đã thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để Chính phủ và các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền và chủ động triển khai các chính sách. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập.
"Chúng ta phải rà soát đánh giá lại các chính sách là đã thực hiện được gì, chưa được gì, nguyên nhân từ đâu. Trên cơ sở đó, chúng ta rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ để hỗ trợ. Từ đó có căn cứ để chúng ta định ra một số chính sách, hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả, tránh được những tiêu cực như trục lợi chính sách, hoặc bỏ sót" – Thủ tướng nêu rõ.
Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị Thủ tướng khái quát và tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm gì cả về lý luận và thực tiễn để định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh nghiệm thứ nhất là chúng ta có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Đây là một kinh nghiệm hay đã tổng kết được và từ đó triển khai các chính sách, định hướng đến người dân nhưng ngược lại người dân cũng phải tham gia vào công tác phòng, chống dịch một cách tích cực, chủ động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Vừa qua khi dịch bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh, chúng ta đã triển khai ngay mô hình "mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài" nhưng vẫn có một số nơi lại hiểu pháo đài này như "lô cốt" và bao vây lại. Đó là cách hiểu sai, gây ra ách tắc.
Bên cạnh đó thời gian qua chúng ta đã huy động được tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Năm ngoái khi tình hình căng thẳng, Chính phủ cũng đề xuất Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi và năm nay khi tình hình dịch bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Tổng Bí thư cũng ra lời kêu gọi. Lời kêu gọi này như lời hiệu triệu và chúng ta sẵn có tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào phòng, chống dịch.
"Chúng ta đã ứng phó rất linh hoạt vì đây là việc làm không có tiền lệ. Ví dụ như chúng ta thấy được năng lực y tế của cơ sở yếu thì ngay lập tức điều động quân đội và công an hỗ trợ. Đây cũng là một bài học và chúng ta xây dựng một lúc hơn 500 trạm xá di động ở TP. Hồ Chí Minh" – Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, khi chúng ta chưa đủ vaccine, chúng ta thực hiện các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh thì an sinh xã hội là điều phải quan tâm. Công tác này phải đầu tư vì có vai trò hết sức quan trọng trong điều kiện phòng, chống dịch, để cho người dân yên tâm tham gia phòng, chống dịch tốt hơn.
Một kinh nghiệm nữa theo Thủ tướng là chúng ta huy động được sự giúp đỡ từ quốc tế. Khi thiếu vaccine, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất nỗ lực giao dịch bằng trực tiếp và trực tuyến, kêu gọi hỗ trợ vaccine vì vaccine là vũ khí rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cũng theo chỉ đạo từ năm 2020 là sản xuất vaccine trong nước thì hiện nay quá trình này vẫn đang được thúc đẩy rất tích cực.
Về quản lý nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải giảm thủ tục hành chính. Về mặt chuyên môn có 2 Hội đồng độc lập là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép. Vấn đề an toàn trong sản xuất vaccine rất quan trọng và hiện nay còn một số vướng mắc trong thực tế.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!