Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Nâng cao vị thế đất nước thông qua sức mạnh mềm

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 14/05/2024 11:43 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình của Chính phủ

VTV.vn - Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Nâng cao vị thế đất nước thông qua sức mạnh mềm - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp

Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát là:

(1) Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam;

(2) Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc;

(3) Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc;

(4) Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa;

(5) Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao;

(6) Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa;

(7) Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

(1) Hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa;

(2) 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn;

(3) 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;

(4) Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo;

(5) Hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố;

(6) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước;

(7) Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa;

(8) 80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;

(9) Hàng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau:

(1) Phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã;

(2) 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện;

(3) 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật;

(4) 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo;

(5) Có ít nhất 10 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN;

(6) Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%;

(7) Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế;

(8) 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn;

(9) Hàng năm, có ít nhất 4-6 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Về thời gian thực hiện Chương trình, Chính phủ đề nghị thời gian là 2025 - 2035. Cụ thể là năm 2025 chỉ tập trung xây dựng khung chính sách và chuẩn bị đầu tư; Giai đoạn thứ 1 theo kỳ trung hạn 2026 - 2030: tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031 - 2035: tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.

Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.

Các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

1. Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp

1.1. Xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

1.2. Thúc đẩy quyền, nghĩa vụ, văn hóa sống và làm việc theo pháp luật

1.3. Phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng sống cho con người Việt Nam

1.4. Phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả

2.1. Phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế

2.2. Nâng cao năng lực vận hành, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở

2.3. Thúc đẩy vai trò của trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tuân thủ pháp luật

2.4. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

2.5. Hỗ trợ phát triển văn hóa đọc gắn với các thiết chế thư viện

2.6. Phát triển hệ thống không gian văn hóa công cộng nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, giáo dục thẩm mỹ của người dân, đặc biệt là giới trẻ

2.7. Xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa trong hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống bệnh viện

3. Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa

3.1. Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở nhằm quảng bá, tăng cường thông tin đối ngoại, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, thù địch, xấu độc

3.2. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật, di sản văn hóa trong hệ thống giáo dục quốc dân

3.3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

4. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc

4.1. Bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

4.2. Bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

4.3. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu, cổ vật, bảo vật quốc gia

4.4. Nâng cao năng lực và vận hành hiệu quả của hệ thống bảo tàng

4.5. Tăng cường trợ giúp pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

5. Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật

5.1. Hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật

5.2. Phát triển hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

5.3. Hỗ trợ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển văn học, nghệ thuật

5.4. Đầu tư có trọng điểm các công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao của Việt Nam

5.5. Hỗ trợ quảng bá, phổ biến tác phẩm, thành tựu văn học nghệ thuật có chất lượng cao đến đông đảo nhân dân

6. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

6.1. Hỗ trợ phát triển các trung tâm công nghiệp văn hóa

6.2. Hỗ trợ phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

6.3. Hỗ trợ phát triển thương hiệu, doanh nghiệp các ngành công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao

6.4. Nâng cao hiệu quả bảo hộ bản quyền tác giả trong việc phát triển công nghiệp văn hóa

7. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa

7.1. Quản lý văn hóa trên môi trường số, xây dựng văn hóa số, xã hội số

7.2. Số hóa dữ liệu, xây dựng, bảo vệ cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia trên môi trường số

7.3. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nghiên cứu cơ bản để phát triển văn hóa và thúc đẩy thị trường văn hóa trên môi trường số

8. Phát triển nguồn nhân lực văn hóa

8.1. Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa

8.2. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa

8.3. Tạo môi trường để các chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ tài năng và học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội, tài năng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được sáng tạo, cống hiến, rèn luyện phát triển tài năng

8.4. Phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa

8.5. Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

9. Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

9.1. Phát huy vai trò các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

9.2. Quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài thông qua các hình thức đa dạng

9.3. Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật thông qua giao lưu văn hóa

9.4. Phát triển văn hóa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

10. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình

10.1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình

10.2. Tăng cường năng lực công tác quản lý, điều phối thực hiện Chương trình các cấp, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về Chương trình

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước