Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, Nghị định quy định 6 nhóm chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công, gồm: Chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức; chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng; chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng; chính sách về điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc; chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng; chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài.
Sinh viên xuất sắc được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương hiện hưởng trong 5 năm
Về chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức, ông Nguyễn Tuấn Ninh thông tin, áp dụng hình thức xét tuyển vào công chức, viên chức đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Đồng thời quy định bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương phải phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng thu hút đối tượng này.
Tại Chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài đặt ra mục tiêu năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới; đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hằng năm.
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động, nếu có nguyện vọng công tác lâu dài tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì được xem xét tiếp nhận vào công chức, viên chức.
Liên quan đến chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì ngoài việc được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày tuyển dụng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp có trình độ đại học được hưởng lương 13,7 triệu đồng/tháng; trình độ thạc sĩ được hưởng lương 15,62 triệu đồng/tháng; trình độ tiến sĩ được hưởng lương 17,55 triệu đồng/tháng.
Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm được bố trí (bao gồm cả chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương) và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng. Như vậy, mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41,184 triệu đồng/tháng; trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng là 58,032 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện việc ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với người có tài năng của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Ngoài ra căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, huy động nguồn lực theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách đối với người có tài năng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương được bổ sung chính sách hỗ trợ khác đối với người có tài năng.
Được đặc cách bổ nhiệm chức vụ với chuyên gia, nhà khoa học
Về chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng, ông Ninh cho hay, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ như sau (kế thừa Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP). Theo đó, họ được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác; được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bên cạnh đó, họ được ưu tiên, tạo điều kiện cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý theo chức danh được quy hoạch; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Người có tài năng được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc; bố trí, sắp xếp nhân lực, vật lực để thực hiện nhiệm vụ; tiếp cận tài liệu phục vụ chuyên môn,... bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Nói về chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện trong bố trí, sử dụng như: Được xem xét, ưu tiên lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác ở Trung ương và địa phương. Những cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên.
Ngoài ra, họ được xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương nếu trong thời hạn 5 năm kể từ khi được tuyển dụng được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 2 năm trở lên được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Còn với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, theo ông Ninh, cơ quan có thẩm quyền được đặc cách bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí vào các vị trí việc làm có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương. Trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc tiêu chuẩn vị trí việc làm thì được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, viên chức tạo điều kiện để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện (tập trung vào năng lực làm việc, tạo ra sản phẩm cụ thể, hiệu quả).
Nghị định 179 cũng quy định chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài theo hướng được cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện đơn giản hóa giấy tờ và cấp thị thực, giấy cư trú, giấy phép lao động tại Việt Nam; tạo điều kiện, hỗ trợ thành viên gia đình về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Họ được cấp thị thực nhiều lần hoặc thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời gian ký kết hợp đồng lao động với cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định này (đối với cả thành viên gia đình).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!