Thái Lan đã tổ chức lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm chính thức với nghi lễ cao nhất. Đích thân, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và Phu nhân đã tới tận chân cầu thang máy bay để chào đón Chủ tịch nước và Phu nhân trong tiếng rền vang của 21 loạt đại bác chào mừng. Việc nước Chủ nhà APEC 2022 đón tiếp trang trọng Chủ tịch nước trong lúc đang tập trung tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC thể hiện sự coi trọng của Thái Lan đối với việc vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường với Việt Nam. Gần 30 năm trước đây, chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã làm tan băng quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan, để 20 năm sau hai nước trở thành Đối tác chiến lược với việc mở rộng hợp tác ngoại giao, thương mại và đầu tư sang an ninh, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Còn trong chuyến thăm này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định có ý nghĩa rất quan trọng và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
"Chuyến thăm của Ngài Chủ tịch có nhiều đặc biệt vì đây là người bạn cũ của tôi và đây cũng là chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sau 24 năm. Diễn ra trong bối cảnh Thái Lan, Việt Nam và các nước trong khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức sau những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và trong bối cảnh các quốc gia tăng tốc phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19. Do đó cả Thái Lan và Việt Nam đều coi trọng chuyến thăm này rất nhiều" - Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định.
Tại các cuộc hội đàm và hội kiến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Nhà vua, các nhà lãnh đạo Thái Lan đều khẳng định hai nước là những quốc gia có vai trò quan trọng về kinh tế, thương mại ở Đông Nam Á, cả về quy mô lẫn tiềm năng phát triển, có hệ thống liên kết thương mại và đầu tư. Do đó, trước mắt hai nước sẽ tăng cường hợp tác kinh tế chặt chẽ để thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội ở hai quốc gia và cả khu vực, cả trong kết nối thương mại, đầu tư, giao thông vận tải và kinh tế số, đi cùng với gỡ bỏ bớt rào cản thương mại, đồng thời thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước thứ ba, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, phụ tùng, thiết bị và thuốc. Trong trung hạn, hai nước sẽ thực hiện Chiến lược "Ba kết nối" gồm kết nối chuỗi cung ứng, kết nối các ngành kinh tế cơ sở và kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai nước, song hành Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường trong 5 năm tới.
Giới doanh nhân hai nước cũng rất quan tâm tới chuyến thăm này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nhiều Tập đoàn lớn của Thái Lan đang xúc tiến đầu tư nhiều tỷ đô la vào Việt Nam. Còn các doanh nghiệp khác cũng rất quan tâm tới các cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam cả về thương mại và đầu tư, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Thái Lan. Bởi cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều nhìn thấy các cơ hội đầu tư và kinh doanh, nhất là khi tình hữu nghị, sự tin cậy về chính trị giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng trong ASEAN ngày càng được tăng cường.
Dấu ấn Việt Nam tại APEC
Là hai nước có vai trò quan trọng trong ASEAN và thành viên tích cực trong APEC, Việt Nam luôn ủng hộ Thái Lan tổ chức Năm APEC 2022 thành công. Vì sau Hội nghị APEC ở Việt Nam, 4 năm vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của Diễn đàn này. APEC năm 2018 không ra được Tuyên bố chung, APEC năm 2019 bị hoãn. Tiếp đó đại dịch COVID-19 buộc phải chuyển sang họp trực tuyến. Còn Hội nghị năm nay, diễn ra trong lúc kinh tế thế giới khó khăn, xung đột và bất ổn chính trị gia tăng, cạnh tranh nước lớn diễn ra phức tạp. Do đó, việc lãnh đạo của 21 nền kinh tế APEC họp trực tiếp sau 4 gián đoạn đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương. Nhất là khi APEC phải đối mặt với thách thức về đảm bảo tự do thương mại và đầu tư, kết nối toàn diện và phải tìm được hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự các phiên họp của Tuần lễ Cấp cao APEC 2022. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tại Hội nghị này, Việt Nam đã chủ động, đóng góp trên tinh thần xây dựng vào các chủ đề tại các phiên thảo luận chính, cũng như tại Diễn đàn Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC. Nhất là khi sự khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, nên những đề xuất của Việt Nam tại các phiên họp, cũng như tại các cuộc tiếp xúc song phương giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Lãnh đạo của hơn 10 nền kinh tế trong và ngoài APEC đã tạo thêm kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm giải pháp trung hòa, giúp duy trì đồng thuận và cam kết đối với Diễn đàn. Việt Nam còn chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu hướng phát triển và định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những ý kiến và đề xuất này nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện của Hội nghị. Bởi có tính đến lợi ích của các nền kinh tế và cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn.
Chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự Tuần lễ Cấp cao APEC của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ với Thái Lan. Đồng thời tiếp tục đề cao tinh thần đối thoại, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương và triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII. Việt Nam đã nỗ lực cùng các nền kinh tế thành viên APEC tìm kiếm giải pháp giúp Diễn đàn vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ các thành tựu và giá trị cốt lõi của hợp tác giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương trong 33 năm qua, để tiếp tục hướng về tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!