Chỉ khoảng 1/5 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn, xuyên suốt nhiều nhiều nhiệm kỳ. Cũng nhờ đó, mà nền trưởng kinh tế luôn giữ tốc độ trên 6% mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 70%.
Tuy nhiên, để đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn cần một quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cả các giải pháp mang tính đột phá.
Đây là lý do Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - một Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng để lãnh đạo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đầu tháng 2 năm nay, Tập đoàn Samsung đã đầu tư thêm gần 1 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất của Nhà máy tại Thái Nguyên. Như vậy, đến nay tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam đã lên hơn 19 tỷ USD.
Không chỉ Samsung, nhiều tập đoàn lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục chọn Việt Nam là để mở rộng đầu tư đưa Việt Nam trở thành 1 trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu.
Hiện Việt Nam là 1 trong 20 nước thu hút dòng vốn FDI lớn nhất thế giới vào các ngành sản xuất và dịch vụ. Riêng khu vực này đang đóng góp đến hơn 20% GDP và chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu.
Doanh nghiệp FDI phát triển sẽ là tiền đề để cho các khu vực doanh nghiệp khác phát triển. Tuy nhiên điều này dường như vẫn chưa đúng với Việt Nam.
Hiện ở nước ta khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP và 85% lực lượng lao động nhưng lại chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa đủ điều kiện để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI. Do lạc hậu về công nghệ, chất lượng nhân lực thấp và không đồng đều, hạn chế về năng lực quản trị, nên kết quả là hiện chỉ có khoảng 1/5 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.
Thực trạng này, cũng đã được đưa ra để thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6 khi Trung ương thảo luận về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Trung ương cũng chỉ rõ, nội lực của nền kinh tế nước ta còn yếu, năng lực độc lập, tự chủ còn thấp và phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp và chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ
Thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% trong những năm gần đây.
Giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40%
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực, trình độ khoa học công nghệ. Năng lực công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp.
Bên cạnh phát huy nội lực về khoa học, công nghệ, một tư duy mới của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư". Nếu theo tư duy cũ chỉ dựa vào năng lực nội sinh thì chắc chắn Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu xa hơn về công nghệ so với khu vực và thế giới. Chính vì thế, cần có chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài.
10 năm qua, tăng trưởng kinh tế nước bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Nội lực của nền kinh tế còn yếu và quá trình đô thị hóa cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hoá, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn, nhất quán, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong suốt những năm Đổi mới. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng để lãnh đạo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng để lãnh đạo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đánh giá là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rõ: Đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phấn đấu đến 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Xây dựng được nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn. Còn đến 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu Châu Á.
Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 đề ra nhiệm vụ: "Đến giữa thế kỷ 21, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đại hội XIII cũng phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là chìa khóa. Nghị quyết số 29 được ban hành sẽ là những định hướng lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở đường cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!