Đã hơn nửa tháng kể từ khi hơn 69 triệu cử tri cả nước cầm lá phiếu trực tiếp đi bầu ra đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến căng thẳng và phức tạp, các cấp các ngành đã hoàn thành việc kiểm phiếu và đến ngày 10/6, danh sách những người trúng cử đã được công bố.
Hơn 69 triệu cử tri đã đi bầu cử vào ngày 23/5 vừa qua với ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm rất cao của một công dân. Những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân đã được bầu chọn vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Sau đây là một vài con số đáng chú ý trong danh sách này.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV có 499 người trúng cử. Trong danh sách 499 người trúng cử này, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu 194; địa phương giới thiệu 301. Tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương là 193, chiếm 38,6%.
Ngoài ra, đáng chú ý, đại biểu là phụ nữ 151 người (tỷ lệ 30,26%). Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%). Đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%). Đại biểu là người ngoài Đảng 14 người và tự ứng cử 4 người.
Về trình độ chuyên môn, gần như 100% đại biểu có trình độ đại học và trên đại học.
Còn theo báo cáo của 63 tỉnh thành phố, tổng số đại biểu HĐND các cấp bầu được hơn 266.000 đại biểu. Trong đó, tỷ lệ đại biểu là phụ nữ chiếm gần 29%, tỷ lệ đại biểu trẻ dưới 40 tuổi đạt 35,2%.
Nâng cao tính chuyên nghiệp và đại diện của Quốc hội
Nhìn vào các con số trên có thể thấy một vài điểm mới trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khoá XV, đó là giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong cơ quan hành pháp, tư pháp; lần đầu tiên tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách đạt 38,6% và tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%, cao nhất kể từ quốc hội khoá VI, trình độ chuyên môn của những người ứng cử cũng cao hơn nhiệm kỳ trước. Nhiều con số thống kê cho thấy Quốc hội đang ngày càng được chuyên nghiệp hoá hơn, và tính đại diện của nhân dân cũng đang được thể hiện rõ nét.
Quốc hội khoá XV là khoá có nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số nhất từ trước đến nay. Có tới 89 đại biểu, chiếm gần 18%. Trong đó, có những dân tộc lần đầu tiên có đại diện tại Quốc hội.
Mặt bằng chung trình độ đại biểu khoá XV cũng cao nhất từ trước tới nay. Tuyệt đại đa số có trình độ từ Đại học trở lên. Rất nhiều đại biểu là giáo sư, tiến sĩ.
Tính đại diện được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Các chuyên gia đánh giá, kỳ bầu cử vừa qua đã chọn lựa được một cơ cấu đại biểu Quốc hội đủ sức, đủ tầm để gánh vác trọng trách quốc gia dân tộc trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 1, thị trấn An Lão, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Ảnh: TTXVN
Thành công nhờ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân
Nhìn lại lịch sử 15 lần tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, trừ giai đoạn đất nước có chiến tranh, chưa bao giờ cuộc bầu cử lại diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt như kỳ vừa qua, với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Việc tổ chức thành công một lần nữa thể hiện sức mạnh đoàn kết trùng trùng điệp điệp của nhân dân, như lời nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trước ngày bầu cử, không ít lo lắng về ngày hội toàn dân tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp. Nhưng sự chuẩn bị kỹ càng của các đơn vị bầu cử và sự đồng thuận của nhân dân đã làm nên một kỳ bầu cử thành công tốt đẹp.
Bỏ phiếu tại bệnh viện đang điều trị bệnh nhân, thùng phiếu được mang đến tận giường cho người đang bị cách ly tập trung hay ở các khu vực đang bị phong toả, người dân cũng được bỏ phiếu. Khắp nơi, người dân nô nức đi bầu cử, nghiêm chỉnh tuân thủ việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế.
Cử tri đi bầu cử tại khu vực phong tỏa Gốc Mít, phường Trần Phú, thành phố Hải Dương. Ảnh: TTXVN
Trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, đạt tỷ lệ 99,57%, cao hơn tỷ lệ trung bình của 14 kỳ bầu cử trước. Điều này cho thấy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ, với Đảng và nhà nước ngày càng lan tỏa.
Không những đảm bảo công tác trước và trong kỳ bầu cử mà ngay cả sau khi bầu cử xong, công tác kiểm tra, giám sát vẫn được tập trung cao độ để có được kết quả minh bạch, đảm bảo công bằng nhất cho từng lá phiếu và ứng cử viên.
Đơn cử như vụ việc tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Cách đây ít hôm, một đơn vị bầu cử đã phải tổ chức bầu cử lại HĐND xã do xảy ra vi phạm trong công tác bầu cử. 2 Đảng viên vi phạm, trong đó có 1 người là Chủ tịch UB bầu cử xã đã bị khai trừ khỏi đảng. Dù chỉ là sự việc cá biệt nhưng đã cho thấy sự vào cuộc kịp thời và xử lý nghiêm minh của pháp luật.
Như vậy, cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã khép lại. Công việc tới đây của 499 đại biểu Quốc hội và hơn 266.000 đại biểu HĐND các cấp là rất lớn. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu rất lớn cho đất nước vào năm 2030, 2045, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hết mình của các đại biểu dân cử để có một nhiệm kỳ hiệu quả, tiếp nối những thành quả tốt đẹp qua 14 nhiệm kỳ của Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Một nhiệm kỳ quốc hội và hội đồng nhân dân mới đã sẵn sàng. Cử tri mong mỏi các đại biểu sẽ gần dân, vì dân, nỗ lực hết mình sao cho thật xứng đáng với mỗi lá phiếu, với niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển phồn vinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!