Dân chủ, khách quan trong lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 22/04/2021 19:48 GMT+7

VTV.vn - Hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương đã hoàn thành việc tổ chức ba vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, khách quan.

Danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được lựa chọn và thông qua.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 diễn ra từ ngày 14 - 18/4 vừa qua có ý nghĩa then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử; bảo đảm chất lượng của ứng cử viên. Các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình, kết quả lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với từng ứng cử viên rồi tiến hành thảo luận, biểu quyết. Sự chọn lọc kỹ lưỡng, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật là cơ sở quan trọng giúp cử tri sáng suốt lựa chọn được những đại biểu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, đặc biệt là về năng lực, phẩm chất tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23/5 tới.

Tại Hội nghị Hiệp thương vòng 3 của TP Hà Nội, các đại biểu tham dự đều đánh giá quy trình lựa chọn ra các ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội diễn ra rất chặt chẽ, dân chủ và khách quan. Có những con số biết nói để chứng minh cho nhận định này. Đó là: sau Hội nghị Hiệp thương vòng 2, Hà Nội có 72 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, sau đó có 21 người nộp đơn xin rút, 11 người có tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đạt dưới 50%, 1 người bị cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội bắt. Vì vậy, còn lại 39 người lọt vào danh sách hiệp thương vòng ba. Cuối cùng, chọn ra được 36 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Có 2 người, dù đạt tỷ lệ 86% và 79% nhưng không lọt vào danh sách vì vẫn thấp hơn những người khác. 1 người nữa bị loại bởi có tín nhiệm nơi công tác dưới 50%.

So với Hội nghị Hiệp thương lần 2, ở vòng sàng lọc cuối cùng đã chọn lựa được những ứng viên xứng đáng hơn.

Dân chủ, khách quan trong lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân - Ảnh 1.

Ở vòng sàng lọc cuối cùng đã chọn lựa được những ứng viên xứng đáng hơn

Tại các vòng hiệp thương diễn ra trên cả nước cùng với quá trình lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, hồ sơ của từng ứng viên đều được trao đổi, tranh luận thẳng thắn. Đã có những ứng viên đạt thấp hơn 50% tín nhiệm của cử tri, thậm chí là rất thấp. Điều này cho thấy các cuộc lấy ý kiến cử tri đã diễn ra rất nghiêm túc, không hề hình thức.

Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã biểu quyết thông qua danh sách chính thức 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương giới thiệu 130 người.

Theo dự kiến cơ cấu Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ tăng từ ít nhất 35% lên 40%. Việc càng gia tăng được nhiều đại biểu chuyên trách thì càng tiến tới một quốc hội chuyên nghiệp hóa, ban hành những chính sách và pháp luật chặt chẽ, đồng bộ.

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chuyên trách cho nhiệm kỳ tới đã được nâng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh những tiêu chí về đạo đức, phẩm chất, trình độ, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương cần phải là Vụ trưởng hoặc có quy hoạch Thứ trưởng trở lên. Trong khi đó, muốn ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương phải có quy hoạch Giám đốc Sở, ngành trở lên.

Nếu như Quốc hội khóa IX, X chỉ có hơn 5% đến gần 7% là đại biểu chuyên trách thì đến khóa XIII, XIV, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 30% và gần 35%. Vì vậy, mục tiêu phấn đấu có ít nhất 40% đại biểu chuyên trách ở Quốc hội khóa XV được đánh giá là xu hướng tất yếu và là tín hiệu tích cực.

Tính đến chiều 22/4, đã có 57/63 tỉnh, thành gửi báo cáo về Hội đồng bầu cử Quốc gia. Tổng hợp kết quả hiệp thương từ 57 địa phương này có tổng cộng 792 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 9 người tự ứng cử, tỷ lệ nữ chiếm 44% và dân tộc chiếm 21%.

Lúc này, các địa phương trong cả nước đang bước vào giai đoạn "nước rút" chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5, với khối lượng công việc rất lớn.

Ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần 3, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức bàn giao danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XIX. Ủy ban Bầu cử tỉnh đang lên danh sách và in ấn tiểu sử các ứng cử viên, phấn đấu xong trước ngày 28/4.

Còn tại TP Đà Nẵng, ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần 3, thành phố đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ủy ban bầu cử thành phố đang làm thủ tục bàn giao ứng cử viên về các tổ bầu cử. Một điểm mới là ứng cử viên được lựa chọn các điểm tiếp xúc cử tri để vận động tranh cử và không quá 10 lần.

Từ nay đến ngày bầu cử, một trong những khâu quan trọng và cần thiết nhất là giám sát công tác chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt là giám sát việc vận động bầu cử.

Những ngày tới, danh sách chính thức người ứng cử sẽ được công bố và các ứng cử viên sẽ bắt đầu hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Dự kiến cả nước sẽ có hơn 1.000 ứng cử viên đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn, bầu ra 500 người tiêu biểu nhất. Như vậy, số dư bầu cử là rất lớn. Điều này cũng có nghĩa là các ứng viên phải nỗ lực nhiều và chứng tỏ được khả năng đóng góp của mình trong quá trình vận động bầu cử. Còn với cử tri, để sáng suốt lựa chọn được những người đại diện xứng đáng cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước cũng phải dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và theo dõi chặt chẽ quá trình vận động của các ứng viên, qua đó, góp phần vào thành công của Ngày bầu cử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước