Đâu là nguyên nhân y bác sĩ, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc?

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 27/10/2022 12:07 GMT+7

VTV.vn - Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 27/10, nhiều đại biểu đã tham gia tranh luận về nguyên nhân và giải pháp tình trạng nhân viên y tế, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Bác sĩ quá tải, chỉ đủ sức quan tâm bệnh chứ không phải người bệnh

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nêu ra con số từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đại biểu đề nghị cần quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có lĩnh vực y tế, giáo dục bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.

Đâu là nguyên nhân y bác sĩ, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc? - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum)

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) cũng cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, bên cạnh lý do thu nhập thấp, còn nhiều nhóm nguyên nhân rất quan trọng khiến một số nhân viên y tế xin nghỉ việc như áp lực công việc và môi trường công tác.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Lấy ví dụ ở bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Các y bác sĩ phải khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh trong khi lẽ ra cần phải có thời gian để lắng nghe tìm hiểu kĩ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân.

Đâu là nguyên nhân y bác sĩ, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn)

Khi dịch bệnh ập tới thì vất vả nhất là các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng. Trong khi đó lương tháng của họ chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Bên cạnh đó còn là những nguyên nhân từ tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám chữa bệnh.

Môi trường làm việc cũng chưa thực sự tạo cơ hội để cho nhân viên y tế, cống hiến hết mình, ảnh hưởng không đến tâm tư của y bác sĩ.

"Vẫn biết rằng việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào. Tuy nhiên việc dịch chuyển nhân lực với một số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngành y tế như thời gian vừa qua rất cần phải đánh giá đúng, đủ nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ chiến lược" – bà Thủy nhấn mạnh.

Tán thành với kiến nghị của nhiều đại biểu về cải thiện chế độ chính sách đối với nhân viên ngành y phù hợp với đặc thù công việc, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị về giải pháp cải thiện môi trường làm việc của ngành y.

Bên cạnh đó cần có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh nền công nghiệp dược và sản xuất vaccine để chúng ta chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào xuất khẩu nhập khẩu như hiện nay.

"Đây cần phải coi là giải pháp căn cơ chiến lược. Nếu như chúng ta chậm trễ, khi sự cố dịch bệnh xảy ra sẽ tổn thất về người, tốn kém tiền của cho nhập khẩu. Và cuối cùng là có thể sẽ lại xuất hiện thêm một vụ Việt Á mới" - đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến.

Giáo viên chuyển từ công sang tư là chuyện rất bình thường

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cũng có tranh luận về nguyên nhân cũng như giải pháp liên quan đến việc số lượng lớn giáo viên rời khỏi khu vực công.

Đâu là nguyên nhân y bác sĩ, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông)

ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá rất cao. nỗ lực của ngành giáo dục và sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với đội ngũ giáo viên. Gần như là kỳ họp nào của Quốc hội cũng thảo luận về các chế độ chính sách liên quan đội ngũ giáo viên. ‘

Theo ông Nguyễn Trường Giang, với đội ngũ hùng hậu (hơn 1,2 triệu giáo viên trên tổng số hơn 1,7 biên chế viên chức cả nước), trong 2,5 năm qua có hơn 14.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công, tỷ lệ khoảng 0,5%. Điều này đặt ra vấn đề cần đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

Phó Tổng thư ký Quốc hội đặt ra vấn đề: Chúng ta đang thực hiện khuyến khích việc xã hội hóa nên việc giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường.

"Quan trọng là chúng ta phải đánh giá đúng là người ta bỏ nghề hay có làm tiếp tục làm giáo viên hay không? Nếu như họ chuyển sang làm khu vực tư thì đây là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ sự tăng trưởng, phát triển của đất nước" - đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cần phải đánh giá thực chất để có giải pháp phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước