Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án báo cáo kết quả tiến độ xây dựng Đề án từ sau Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo đến nay. Đáng chú ý, từ ngày 12/5 đến ngày 19/5/2022, đồng chí Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chủ trì sáu cuộc Tọa đàm chuyên sâu để trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Đề án và các vấn đề do thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu.
Các cuộc Tọa đàm có sự tham gia của hơn 180 lượt đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn, thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án có am hiểu sâu về chủ đề tọa đàm và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; có 52 lượt ý kiến phát biểu, phân tích làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề xin ý kiến định hướng của Ban Chỉ đạo. Qua đó, về cơ bản hầu hết các vấn đề đặt ra đã đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu về hướng giải quyết và những nội dung cần đưa vào Đề án… Tổ Biên tập xây dựng Đề án đã tiếp thu tối đa ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tại các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Phiên họp thứ 2, dự kiến cuối tháng 5/2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và trách nhiệm của thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án, các dự thảo tài liệu Đề án đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về nội dung, tiến độ do Ban Chỉ đạo đề ra.
Đồng thời, yêu cầu Tổ Biên tập tiếp tục bám sát kết quả nghiên cứu chuyên đề của các cơ quan, ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Đề án. Trong đó, tập trung làm rõ trọng tâm của Đề án; phân định rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng từ nay đến năm 2030 và từ năm 2030 đến năm 2045; khẳng định sự lãnh đạo của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, như mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, có chuyên gia để giới thiệu về Đề án… để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao về tầm quan trọng và ý nghĩa của Đề án trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!