Hôm nay (27/10), Quốc hội bắt đầu ngày đầu tiên của phiên thảo luận trong 2 ngày về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và phương hướng năm 2023.
Ghi nhận những thành quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cũng đề xuất các giải pháp trong ngắn và dài hạn nhằm đạt được sự tăng trưởng một cách bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Các đại biểu nhất trí với đánh giá kinh tế Việt Nam đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, 14 trên tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội ước đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
"Vào thời điểm này một năm trước, dịch COVID-19 toàn cầu và cả Việt Nam của chúng ta chưa được kiểm soát có hiệu quả, cộng với nhiều khó khăn, thách thức khác. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và định hướng, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực", ông Nguyễn Hữu Thông, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đánh giá.
"Đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", ông Bế Minh Đức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh.
"Những thành công có được không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo tăng trưởng nóng. Sự điều hành linh hoạt, kết hợp một cách uyển chuyển giữa chính sách tài khóa và tiền tệ của chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời đồng hành của Quốc hội. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất. Chúng ta lại có sẵn thị trường nội địa sẽ cán mốc 100 triệu dân vào năm 2023. Đây là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Thị trường thế giới thu hẹp. Do vậy, ngay từ bây giờ cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước", ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhận định.
Một số ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong đó có việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai và điều hành chính sách tiền tệ.
"Tôi rất chia sẻ với Chính phủ khi phải điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới hiện nay có rất nhiều yếu tố bất định, bất ổn và bất thường. Tôi đồng tình với 12 giải pháp của Chính phủ trình trước Quốc hội và cần ưu tiên giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt chứ không phải là chính sách tiền tệ thắt chặt, định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh và các dự án đã được triển khai, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý trong ngắn hạn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên", ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên.
"Giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả, đến hết tháng 9/2022 mới chỉ đạt 46,7%, vốn ODA mới chỉ đạt 15%. Do vậy đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng khối lượng hoàn thành cho giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao", ông Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, đề xuất.
"Chỉ qua giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án được coi là dự án treo, tương ứng với hơn 12.000 hecta đất. Cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vướng mắc về đất đai, xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, cần đề cao trách nhiệm, nhưng cũng rất cần một cơ chế minh bạch, ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng, để tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, để không tạo một tâm lý e dè, lo lắng, khơi thông tư tưởng, vì có như vậy thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống", bà Vũ Thị Lưu Mai, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đề nghị.
Thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững và gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nhiều đại biểu cũng đề cập các giải pháp tập trung vào 3 đột phá về nhân lực, hạ tầng và đổi mới sáng tạo. Trong đó, các ý kiến đề nghị cần thể chế hóa cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, hoàn thiện thể chế kinh tế số và đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!