Dự án Luật Cảnh sát cơ động quy định 7 nhóm nhiệm vụ và 7 quyền hạn
Chiều 21/10, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc xây dựng dự án Luật CSCĐ là cần thiết, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CSCĐ; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của CSCĐ và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh CSCĐ.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, mục đích của việc xây dựng Luật CSCĐ là nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều được bố cục như sau: Chương I. Quy định chung; Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ; Chương V. Điều khoản thi hành.
Về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật, dự thảo Luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của CSCĐ, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ, đồng thời bổ sung 2 nhiệm vụ cho CSCĐ, đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi, gồm:
- Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với CSCĐ và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong Công an nhân dân (CAND); huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương;
- Phối hợp với các lực lượng trong CAND và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm ANTT và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ gồm:
- Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT;
- Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Luật còn bổ sung quy định về phối hợp giữa CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó quy định rõ nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và cơ chế chỉ huy CSCĐ trong phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT.
Cần xác định rõ mô hình tổ chức của cảnh sát cơ động
Về hệ thống tổ chức của CSCĐ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tại Thông báo số 173/TB-TTKQH ngày 28/9/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật CSCĐ, trong đó về hệ thống tổ chức của CSCĐ cần xác định rõ mô hình tổ chức, các bộ phận cấu thành lực lượng này để thấy rõ được tính đặc thù của CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với vấn đề này, Chính phủ đề nghị 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:
Phương án 1: Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật CAND năm 2018.
Phương án 2: Tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ, theo đó cơ cấu lực lượng thuộc CSCĐ bao gồm 06 lực lượng. Trong đó, 04 lực lượng (lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ) được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh CSCĐ năm 2013; bổ sung 02 lực lượng (lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu) do trên thực tế các lực lượng này đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị và các Đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình mới. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật CAND năm 2018.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về việc bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSCĐ, cụ thể như các vấn đề liên quan đến kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm; trang bị; trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của CSCĐ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; tuyển chọn công dân vào CSCĐ; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ CSCĐ.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm cụ thể hoá nội dung về quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh về cảnh sát cơ động.
Một số đại biểu nhất trí với dự thảo luật khi bổ sung một số nhiệm vụ mà cảnh sát cơ động thực hiện theo quy định của Luật Công an Nhân dân, đồng thời đề nghị cần quy định rõ việc nhà nước đảm bảo trang bị phương tiện, thiết bị để Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại. Về quy định Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm khái niệm phù hợp với thực tiễn chính sách cán bộ ở địa bàn đóng quân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!