Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát và cả nước đang tích cực thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Không còn phải họp trực tuyến hay chia ra làm 2 đợt, lần này Quốc hội họp tập trung gần 500 đại biểu tại hội trường Diên Hồng, thực hiện công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
Dự kiến, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong vòng 19 ngày, sẽ có khoảng 8 ngày Quốc hội dành cho công tác xây dựng pháp luật. Điều này cho thấy một khối lượng lớn về lập pháp cần sự tập trung trí tuệ của các đại biểu. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật và sẽ thảo luận và cho ý kiến vào 6 dự án luật. Một điểm rất đáng chú ý là tất cả các dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này, trước đó đều đã được thẩm tra kỹ lưỡng, lấy ý kiến nhiều vòng và rất sát với các vấn đề thực tiễn hiện nay, nên được cử tri và các chuyên gia đặt rất nhiều kỳ vọng.
Dự kiến, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong vòng 19 ngày
Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)… là 3 trong số 5 dự án luật được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3. Tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, người bị tác động và gần đây được thảo luận tại hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách. Sự chuẩn bị cho các dự án luật đang tiếp tục được đổi mới, chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn, kế thừa thành công từ nhiệm kỳ trước đó.
Để có được sự đổi mới, tất cả các khâu từ lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm cho đến công tác soạn thảo, thẩm tra cũng cần đổi mới và chủ động hơn.
Đất nước đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch. Hay nói theo một cách khác, nền kinh tế sau một thời gian chững lại, giờ rất cần các cú huých về chính sách và giải pháp đột phá để bật tăng trở lại. Một trong những động lực đó đến từ gói giải pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp bất thường vào tháng 1. Kỳ họp lần này sẽ là lúc để đánh giá việc triển khai và cùng tháo gỡ nút thắt để tiếp tục thực thi gói hỗ trợ này một cách hiệu quả nhất.
Từ 1/2, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ được giảm xuống còn 8%. Đây là một trong nhiều chính sách đã được Chính phủ triển khai để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, sau khi có nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Điều này góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Gói hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội gồm 350.000 tỷ đồng hướng tới nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, và đầu tư kết cấu hạ tầng. Chỉ có 2 năm để triển khai, nên việc giám sát thực hiện gói hỗ trợ này đang rất cấp thiết để đảm bảo tiến độ.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét chủ trương 5 dự án, trong đó có Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và 3 dự án đường bộ cao tốc phía Nam, với kỳ vọng tạo ra những đột phá về cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới.
Trước kỳ họp thứ 3 này, cử tri cả nước đã gửi gắm nhiều tâm tư và kỳ vọng cho các đại biểu Quốc hội, những người mà cách đây đúng 1 năm, trong bối cảnh dịch bệnh, cử tri và nhân dân đã sáng suốt bỏ phiếu để lựa chọn.
Dự kiến diễn ra trong 19 ngày, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV là kỳ họp đầu tiên của bối cảnh bình thường mới. Sau một giai đoạn dài của dịch bệnh chưa có tiền lệ thì nhiều vấn đề đang đặt ra: như sức khỏe người dân hậu COVID-19, làm thế nào để bứt phá trong hồi phục, chống tham nhũng và tiêu cực bất kể người đó là ai… Cử tri và nhân dân đang gửi gắm nhiều kỳ vọng vào kỳ họp này, một kỳ họp mà như lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, đó là đổi mới, dân chủ, chất lượng được nâng cao, trong đó nổi bật vai trò trung tâm là đại biểu Quốc hội, thích ứng "từ sớm, từ xa" và ngày càng gần dân hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!