Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đơn giản hóa thủ tục hành chính khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

PV (Theo TTXVN)-Thứ sáu, ngày 15/11/2024 15:22 GMT+7

VTV.vn - Sáng 15/11, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các cơ quan đã nỗ lực để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nâng cao năng lực thực thi; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cao nhất cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Theo đó, dự thảo Luật giữ nguyên các đối tượng được quy định trong Luật hiện hành; bổ sung các đối tượng đã được Luật khác quy định, trong đó có các dự thảo Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp này như Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố. Đồng thời chưa bổ sung vào dự thảo Luật thân nhân của dân quân thường trực do Luật Dân quân tự vệ không quy định chế độ bảo hiểm y tế cho đối tượng này mà giao Chính phủ quy định các đối tượng khác.

Dự thảo Luật quy định, đối tượng học sinh, sinh viên tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo tính ổn định khi tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng này; đồng thời bổ sung, làm rõ các hình thức khám bệnh, chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như: khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.

Quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ "địa giới hành chính" trong khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp, như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, thực hiện việc liên thông và sử dụng kết quả cận lâm sàng liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp yêu cầu chuyên môn trước 1/1/2027; giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giải pháp tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở, ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ y tế thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế; giảm thời gian cấp thẻ bảo hiểm y tế từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; bổ sung quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử...

Các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung lớn của dự thảo Luật; cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cơ bản đáp ứng được những mục tiêu, quan điểm đặt ra, từng bước thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo hiểm y tế để đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm xã hội. Những nội dung được quy định nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn và các nội dung đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận cao.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để bảo đảm luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhất là những nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người dân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và đầy đủ, chính xác quy định của luật; thường xuyên kiểm tra, giám sát và theo dõi quá trình thực thi để có giải pháp xử lý ngay khi cần thiết. Khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật, đồng thời chỉ đạo việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục vướng mắc, bất cập đã được nhận diện.

Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi xin ý kiến rà soát kỹ thuật văn bản gửi đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối đợt 2 của Kỳ họp này.

Theo chương trình, trong phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét một số nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước