Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 10/03/2022 16:28 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

VTV.vn - Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ đánh giá tác động, bổ sung quy định phù hợp với người nghiện ma túy từ 12 -18 tuổi.

Cần hoàn thiện thủ tục thân thiện, nhân văn đối với người dưới 18 tuổi

Sáng 10/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trình bày dự án Pháp lệnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động - Ảnh 1.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du trình bày tờ trình.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Với lý do trên, việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cần thiết.

Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 48 điều.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, có một số quan điểm khác nhau về nội dung quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có đưa vào trong Pháp lệnh hay không.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, UBTP thống nhất với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy và quan điểm chỉ đạo xây dựng Pháp lệnh đã được nêu trong Tờ trình.

Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp

Tuy nhiên, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (người bị đề nghị) và việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên dự án cần thể hiện tính đặc thù này, thủ tục thân thiện, nhân văn và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị.

Cần tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện thêm về thủ tục thân thiện và các yêu cầu để thực hiện có hiệu quả thủ tục này như: bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bổ sung các quy định các phiên họp phải được tổ chức thân thiện; phòng họp thân thiện, an toàn, vị trí chỗ ngồi thân thiện; yêu cầu đối với việc hỏi người bị đề nghị; các yêu cầu khác hỗ trợ người bị đề nghị; tham vấn ý kiến chuyên gia....

Đánh giá kỹ tác động tích cực và tiêu cực với đối tượng trẻ em

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá tác động chính sách, tác động xã hội đầy đủ hơn, trong đó có tác động tích cực và tiêu cực của Pháp lệnh này đối với lứa tuổi từ 12 đến dưới 18, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và giải pháp hiệu quả khi áp dụng bởi đối tượng là trẻ em.

Bên cạnh đó, các cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng cần đảm bảo quyền của trẻ em như được học hành, được vui chơi, được chăm sóc, được ở cùng gia đình...

Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Đánh giá về dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo đã được Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, soạn thảo công phu nghiêm túc, tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan. Hồ sơ đạt yêu cầu, chất lượng dự thảo Pháp lệnh khá tốt. Tại phiên thảo luận đã có nhiều ý kiến phát biểu sâu, có thể nghiên cứu, tiếp thu giải trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần đánh giá tác động kỹ lưỡng nhiều vấn đề khác như ngân sách, đầu tư, số lượng người ở các cơ sở tăng lên không... Ngoài ra, cần rà soát kỹ các điều ước quốc tế, làm rõ các thuật ngữ "biện pháp hành chính", "xử lý hành chính", "chế tài hành chính".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với ý kiến đưa các quy định về điều kiện hoãn miễn đưa người vào cơ sở cai nghiện trong Pháp lệnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc ban hành Pháp lệnh là phù hợp với định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phù hợp với chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết 443 và thực hiện đúng quy định tại Khoản 5, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy.

Đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc: Cần đánh giá kỹ tác động - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo là TANDTC và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong việc hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất với các nội dung tại Tờ trình dự thảo và Báo cáo thẩm tra đã đề cập. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Uỷ ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, TANDTC và các cơ quan hữu quan (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội) tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, có Báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể.

Đồng thời, lưu ý giữa hai Đợt họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình cụ thể, dự thảo Pháp lệnh cần chuyển Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để chỉnh lý về mặt kỹ thuật, sau đó tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại Đợt 2, phiên họp thứ 9 vào ngày 24/3,

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành đưa các quy định về điều kiện hoãn miễn đưa người vào cơ sở cai nghiện trong Pháp lệnh thay dù đã được quy định tại Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát tổng thể để bổ sung thêm các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Phối hợp với cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước