Góp ý hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người

N.M (t/h)-Thứ tư, ngày 05/04/2023 02:05 GMT+7

VTV.vn - Việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết sau hơn 10 năm thi hành tại Việt Nam.

Đây là nội dung của Hội thảo ngày 4/4, tại thành phố Hạ Long, giữa Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm LHQ, cùng với Bộ Tổng chưởng lý Australia.

Từ năm 2011 đến tháng 6/2020, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh hơn 7.300 nạn nhân bị mua bán. Hơn 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và hơn 80% nạn nhân là người dân tộc thiểu số.

Góp ý hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN

Tại Hội thảo, các đại biểu có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Cũng tại đây, phía Australia kiến nghị cần hình sự hóa hành vi phạm tội và hỗ trợ tối đa cho nạn nhân.

Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những năm qua, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, đặc biệt tuyến biên giới đường bộ. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho quần chúng nhân dân.

Góp ý hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người - Ảnh 2.

Bà Sophie Clarkson, Giám đốc Ban Phòng, chống buôn bán người và nô lệ hiện đại, Bộ Tổng chưởng lý Australia, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Hiếu-TTXVN

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chưa quy định về "giải cứu" nạn nhân nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Luật còn nhiều chồng chéo, thời gian điều tra ngắn. Tội phạm mua bán người qua biên giới chủ yếu lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên Luật Xử lý vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh không cho giữ người theo thủ tục hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh, vi phạm quy chế biên giới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Theo các đại biểu, số nạn nhân bị mua bán, có biểu hiện bị mua bán còn nhiều và chưa được phát hiện triệt để, có trường hợp còn e ngại, giấu giếm, bao che cho các đối tượng. Các đối tượng rất tinh vi, thay đổi cách thức liên tục nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Do đó cần thay đổi Luật Phòng, chống mua bán người để phù hợp tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh 7.356 nạn nhân bị mua bán. Hơn 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và hơn 80% nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Nghèo đói, ít cơ hội tiếp cận giáo dục và vị trí địa lý được xác định là yếu tố nguy cơ đối với các nạn nhân.

Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sẽ quán triệt, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống mua bán người; tổng kết toàn diện việc thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian qua, từ đó khắc phục hạn chế, tồn tại của quy định hiện hành, bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống mua bán người hiện nay và những năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước