Sáng 22/9, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Nghị quyết quyết nghị thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm.
Cụ thể, thành lập 6 phường trên cơ sở chuyển nguyên trạng 6 xã gồm: phường Ninh Hiệp trên cơ sở chuyên nguyên trạng xã Ninh Hiệp; phường Yên Thường trên cơ sở chuyển nguyên trạng xã Yên Thường; phường Cổ Bi trên cơ sở chuyển nguyên trạng xã Cổ Bi; phường Đặng Xá trên cơ sở chuyển nguyên trạng xã Đặng Xá; phường Dương Quang trên cơ sở chuyển nguyên trạng xã Dương Quang; phường Lệ Chi trên cơ sở chuyển nguyên trạng xã Lệ Chi.
Ngoài ra, thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã, thị trấn có sự điều chỉnh địa giới hành chính với nhau, gồm: phường Trâu Quỳ trên cơ sở thị trấn Trâu Quỳ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Đa Tốn trên cơ sở xã Đa Tốn có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Dương Xá, Đa Tốn; phường Kiêu Kỵ trên cơ sở xã Kiêu Kỵ có điều chỉnh địa giới với xã Đa Tốn, Dương Xá; phường Dương Xá trên cơ sở xã Dương Xá có điều chỉnh địa giới với thị trấn Trâu Quỳ, các xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn.
Đồng thời, thành lập 6 phường trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính của 12 xã, thị trấn gồm: phường Yên Viên trên cơ sở nhập thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên; phường Phù Đổng trên cơ sở nhập xã Trung Mầu và xã Phù Đổng; phường Thiên Đức trên cơ sở nhập xã Đình Xuyên và xã Dương Hà; phường Phú Sơn trên cơ sở nhập xã Kim Sơn và xã Phú Thị; phường Bát Tràng trên cơ sở nhập xã Bát Tràng và xã Đông Dư; phường Kim Đức trên cơ sở nhập xã Văn Đức và xã Kim Lan.
Quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64km2 với quy mô dân số hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng. Kim Đức.
Quận Gia Lâm sau khi được thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64km2 và quy mô dân số là hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng. Kim Đức.
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Huyện Gia Lâm có 116.64km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số trên 300.000 người; có 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn và 20 xã.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh
Nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP Hà Nội, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm đã nỗ lực tạo "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các tỉnh thành, các trung tâm kinh tế lớn như: Quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng....
Huyện Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hưởng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A. Cơ sở hạ tầng của huyện Gia Lâm cũng được chú trọng, tập trung xây dựng phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ, gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cai tạo, chính trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng.
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế.... Đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự xây dựng, quy hoạch kiến trúc, kết cấu hạ tầng, các thiết chế xã hội... Đi với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện. "Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của TP Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội"- Tờ trình nêu rõ.
Việc thành lập quận Gia Lâm được nhận định sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, về chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn thiện Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết, có lộ trình cụ thể và phân công rõ nhiệm vụ, để sớm hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!