Hoàn thiện thể chế công tác cán bộ - Nền tảng vững chắc cho một nhiệm kỳ Đại hội XIII "đức - tài"

Minh Nguyễn - Việt Cường-Thứ ba, ngày 19/01/2021 07:10 GMT+7

VTV.vn - Bổ nhiệm sai - chuyện "thâm căn cố đế" đã từng bước được giải quyết bởi đường lối, quyết định sáng suốt của Đảng, từ đó, giúp củng cố niềm tin từ nội bộ Đảng, từ nhân dân.

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là một trong những nhiệm vụ trong tâm được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra.

Với việc cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII, trong nhiệm kỳ này, Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, với một loạt giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện. Công tác cán bộ được quan tâm một cách xứng tầm, thực sự là công việc "then chốt của then chốt". Từ đó, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, thu được những kết quả quan trọng.

Trước nhiệm kỳ Đại hội XII - Bổ nhiệm cán bộ tùy tiện không phải là chuyện cá biệt

Thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh nhiều kết quả tích cực, công tác cán bộ của Việt Nam trước nhiệm kỳ Đại hội XII đã bộc lộ không ít những tồn tại hạn chế và cả những bất cập. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng xảy ra ở một số nơi. Không ít trường hợp cán bộ được bổ nhiệm "thần tốc" hoặc "nâng đỡ không trong sáng" lên các vị trí lãnh đạo, gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước.

2016 là năm mà chưa khi nào những từ khóa về công tác cán bộ như "bổ nhiệm", "cất nhắc", "chạy chức, chạy quyền" hay là "người tài – người nhà" lại "nóng" như thế.

Điển hình nhất là cái tên "Trịnh Xuân Thanh". Lãnh đạo một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thế nhưng lại liên tục được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo cao hơn. Thậm chí được quy hoạch chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương.

Hay như chuyện Giám đốc Sở Tài chính của một tỉnh bổ nhiệm con mình là Phó Trưởng phòng. Phó Chủ tịch tỉnh này sau đó cũng bị kỷ luật vì nâng đỡ không trong sáng trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ. Còn tại 1 địa phương khác, 1 xã có 12 người là họ hàng cùng "làm quan". Một loạt các trường hợp bổ nhiệm "thần tốc" cũng khiến dư luận hết sức bất bình.

Hoàn thiện thể chế công tác cán bộ - Nền tảng vững chắc cho một nhiệm kỳ Đại hội XIII đức - tài - Ảnh 1.

Trước sự bức xúc của xã hội, những người có trách nhiệm đều giải thích là "đúng quy trình".

PGS.TS Phạm Duy Đức, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển từng nói: "Trong khi cái tự giác của con người chưa cao thì chúng ta phải dùng thể chế, để loại khỏi bộ máy những quan hệ như vậy. Như thế người ta mới nhìn thấy sự công bằng, minh bạch. Loại trừ những tiêu cực,. tạo ra môi trường lành mạnh, đề cao dân chủ, công khai, làm cho những người có tài, có tâm, họ cảm thấy sự hy sinh, cống hiến, lao tâm khổ tứ của họ vào công việc chung phải được đánh giá 1 cách công bằng, chứ nếu không, sẽ làm cho họ nản lòng".

Và rồi, cũng ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Đảng đã thể hiện một quyết tâm hành động trong chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ. Tháng 6 năm 2016, Người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo đề nghị làm rõ sự việc Trịnh Xuân Thanh. Từ đây, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã bị phanh phui. 5 tháng sau đó, Ban Bí thư đã thi hành một quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Gần một tháng sau đó, một loạt các cán bộ cấp cao để xảy ra vụ việc tiếp tục bị xử lý kỷ luật…

Tại sao có những người biết sai mà vẫn làm? Vì có lợi ích của cá nhân họ trong đó. Bên cạnh đó, việc xử lý trong Đảng có sức răn đe chưa lớn. Từ đó, xuất hiện tư tưởng cứ làm đi, nếu "hạ cánh an toàn" được thì tương lai sẽ tốt cho bản thân, cho gia đình họ. Vì thế họ không sợ. Muốn răn đe thì phải có chế tài công minh như hiện giờ - nghĩa là không có vùng cấm, không có ngoại lệ nào"

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Chia sẻ trong Tọa đàm VTV về Đổi mới công tác cán bộ (phát sóng ngày 6/1/2021), ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, nhận định: "Việc bổ nhiệm cán bộ không đúng đã gây nên những tác hại ghê gớm. Điều đó làm lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước giảm sút cực kỳ. Có những trường hợp sử dụng người thân, gia đình, dòng họ, đàn em, những người chung nhóm lợi ích… để đề bạt, bổ sung quy hoạch nhưng những người được nói đến này không có thực tài. Có những người sáng ngủ dậy mở mắt đã thấy được bổ sung vào quy hoạch, phân công đi đâu hết trong khi có những người lao động, phấn đấu bao nhiêu năm thì không được. Điều này làm sa sút niềm tin ở trong Đảng.

Bên cạnh đó, với những người được bổ nhiệm sai, họ không đủ năng lực để làm tốt nhiệm vụ được giao phó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đường lối của Đảng vì thế cũng không công tâm.

Chính vì thế, khi Đảng nhận diện được những sai phạm về công tác cán bộ và có những giải pháp để xử lý trong Đảng, trong bộ máy tổ chức Nhà nước, tôi cho rằng đây là yếu tố rất đáng quan tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII này.





Nếu số này được đề bạt lên những vị trí cao hơn, được phụ trách những lĩnh vực quan trọng hơn thì hệ lụy là thảm họa đối với cả dân tộc

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Hoàn thiện thể chế công tác cán bộ - Nền tảng vững chắc cho một nhiệm kỳ Đại hội XIII đức - tài - Ảnh 4.

Đồng quan điểm với ông Đặng Thuần Phong, ông Phan Thăng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ cho biết: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy tổ chức Đảng từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã thể hiện sự quyết liệt để chấn chỉnh những sai phạm trong công tác cán bộ ở nhiệm kỳ trước bằng hàng loạt hoạt động rà soát, tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm, bất kể là cán bộ trung ương hay địa phương – không phân biệt đã về hưu hay đương chức".

Quy định xử lý chưa chặt. Chúng ta có phân cấp trong công tác cán bộ nhưng trước đây chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, nên để xảy ra sai phạm trong thời gian dài.

Ông Phan Thăng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ Ông Phan Thăng An, Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ

Hoàn thiện thể chế công tác cán bộ - Nền tảng vững chắc cho một nhiệm kỳ Đại hội XIII đức - tài - Ảnh 6.

"Nội bộ Đảng nhìn nhận rằng nếu không tự chấn chỉnh, điều đó sẽ ảnh hưởng tới uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Qua rà soát kiểm tra, Đảng phát hiện 55.000 trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện để được bổ nhiệm, trên cơ sở đó, đã thu hồi các quyết định và xử lý vi phạm, từng bước đưa công tác cán bộ đi vào nề nếp, kỷ cương" - ông Phan Thăng An cho biết thêm.

Hoàn thiện thể chế trong công tác cán bộ


Hoàn thiện thể chế công tác cán bộ - Nền tảng vững chắc cho một nhiệm kỳ Đại hội XIII đức - tài - Ảnh 7.

Câu chuyện "người tài là người nhà" đã, đang và sẽ dần bị "xóa sổ" trong bộ máy tổ chức của Đảng.

Để khắc phục tình trạng "chạy tuổi", tháng 8/2016, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 13 về việc xác định tuổi của Đảng viên. Theo đó, sẽ căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh ghi trong hồ sơ kết nạp Ðảng là hồ sơ gốc.

Để kiểm soát tài sản của Lãnh đạo cấp cao, tháng 5/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 85 về "Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".

Hay để khắc phục tình trạng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển", tháng 10/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định 98. Theo đó, các cán bộ được điều động, luân chuyển vẫn giữ chức vụ tương đương.

Tháng 11/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 102 về "Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm", quy định cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm, khắc phục tư tưởng "tư duy nhiệm kỳ" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quan niệm khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác là "hạ cánh an toàn".

Tháng 12/2017, Bộ Chính trị cũng ban hành Thông báo kết luận số 43 về tự kiểm tra, rà soát thực hiện Công tác cán bộ trong toàn hệ thống chính trị.

Qua tiến hành tổng rà soát công tác cán bộ, đã phát hiện: hơn 2.800 trường hợp bổ nhiệm sai về quy trình, thủ tục (chiếm 0,13% tổng số được rà soát); hơn 55.000 trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn (chiếm 2,56% tổng số được rà soát). Từ kết quả này, Ban Bí thư đã ban hành kết luận chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh công tác cán bộ và tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp chưa thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và những tập thể, cá nhân vi phạm.

Không dừng lại ở đó, để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205 về "Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền". Theo đó, lần đầu tiên, quyền lực trong công tác cán bộ đã được kiểm soát trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng.

Trong Quy định 205, Đảng đã chỉ rõ những hành vi thế nào là chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, đồng thời đề ra các biện pháp khắc phục và chế tài xử lý sai phạm: cán bộ tham gia chạy chức, chạy quyền sẽ bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc; cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ, thậm chí, xử lý hình sự nếu tiếp tay, nhận hối lộ để chạy chức...

Tôi tin tưởng rằng "mưa dầm thấm lâu", quá trình của Đại hội XII đã tạo nền tảng, để trong tương lai sắp tới, Đảng sẽ giải quyết triệt để vấn đề về công tác cán bộ.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Trong nhiệm kỳ này, một loạt Nghị quyết, quy chế, quy định đã được hoàn thiện và ban hành, thể hiện quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; những tiêu cực trong công tác cán bộ đã từng bước được chấn chỉnh, ngăn chặn.

Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ Đại hội nào, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ Đảng lại quan tâm chỉ đạo, tập trung lãnh đạo về công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này. Trong đó thể chế về công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu, với nhiều đổi mới, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ cho đến công tác luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Để có thêm căn cứ cho việc lựa chọn nhân sự, trong nhiệm kỳ, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định 214 về Khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. So với Quy định trước đây, nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí được đặt cao hơn, rõ hơn. Đặc biệt, Quy định 214 làm rõ hơn tiêu chuẩn "uy tín cao trong nhân dân".

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng cũng quy định: nhân sự tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025, cả tái cử và tham gia lần đầu đều phải được giới thiệu theo quy trình 5 bước, qua 5 hội nghị. Thay vì quy trình 3 bước như những nhiệm kỳ trước đây.

Điểm mới khác biệt so với quy trình lưu hành trước đó là tại Hội nghị cán bộ chủ chốt, đại biểu tham dự Hội nghị có quyền giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia cấp ủy khóa mới. Mà nhân sự này có thể chưa được nằm trong dự kiến của cấp ủy khóa cũ.

Tiêu chuẩn chức danh cao hơn, tiêu chí đánh giá chặt chẽ hơn, quy trình cũng ngày càng mở rộng dân chủ. Sự kết hợp đồng bộ này giúp việc chọn người đúng hơn, trúng hơn.

Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, tiến bộ. Các quy trình ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hoà bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Những điều đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. 

Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân mong mỏi nhất là làm sao Đảng sáng suốt lựa chọn cho được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, có cả đức và tài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước