Chiều nay (21/10), thảo luận về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến xung quanh những quy định về trách nhiệm của chủ thể giám sát cũng như các đối tượng chịu sự giám sát, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động này của các cơ quan dân cử.
Nhiều đại biểu cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đã giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cử tri.
Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát cũng đã được các đại biểu chỉ ra. Theo một số đại biểu, hiện hoạt động này ở một số nơi vẫn như ‘cưỡi ngựa xem hoa’. Đến nay, việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát vẫn còn hạn chế. Từ thực tế này, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị phải có quy định nhằm nâng cao trách nhiệm cụ thể cho cả các chủ thể giám sát, cũng như các đối tượng bị giám sát trong việc thực hiện nghiêm túc kết luận sau giám sát.
Một trong những hình thức giám sát rất hiệu quả được cử tri đặc biệt quan tâm đó là hoạt động chất vấn. Theo ông Huỳnh Nghĩa - Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến các nội dung cũng như các chức danh bị chất vấn. Do vậy, ông Huỳnh Nghĩa đề nghị khi đã chất vấn một chức danh cụ thể không nên có sự ủy quyền, vì đây là mong muốn nguyện vọng của cử tri.
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.
Ngày mai (22/10), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.