Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và sự chủ động của Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/11/2020 20:54 GMT+7

VTV.vn - Vào ngày mai (12/11), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Đây là đợt hội nghị quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam. Hội nghị Cấp cao 37 lần này sẽ là Hội nghị cấp cao cuối cùng của ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch.

Đây cũng là dịp duy nhất trong năm, lãnh đạo ASEAN họp với Lãnh đạo hầu hết các Đối tác quan trọng của ASEAN.

Tham dự đợt Hội nghị lần này sẽ có lãnh đạo của các nước ASEAN, 8 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ) và người đứng đầu các tổ chức quốc tế.

Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và sự chủ động của Việt Nam - Ảnh 1.

Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần thứ 37

Hội nghị lần này sẽ tập trung vào 4 nội dung chính (i) đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác ASEAN, vượt qua các khó khăn, thách thức (ii) mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng tầm vị thế quốc tế của ASEAN; (iii) kiểm soát hiệu quả và từng bước đẩy lùi COVID-19, tích cực khắc phục hậu quả dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi; và (iv) trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện tại Hội nghị lần này. Đây là số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý có các văn kiện quan trọng là đề xuất của nước Chủ tịch Việt Nam và được các nước ASEAN và các Đối tác ủng hộ như Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng cùng nhiều văn kiện quan trọng khác.

Để đến được Hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam phải vượt qua một nhiệm kỳ chủ tịch từ đầu năm đến nay với rất nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến gần như mọi hoạt động chúng ta đề ra cho năm nay đều bị đảo lộn.

Thế nhưng, Việt Nam đã ngay lập tức linh hoạt ứng phó với thách thức đặt ra, vừa thúc đẩy các sáng kiến ứng phó dịch bệnh ở tầm khu vực, vừa duy trì đà hợp tác của ASEAN.

Sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho Việt Nam trên cương vị chủ tịch ASEAN, cả về nội dung lẫn phương thức tổ chức.

Ngay lập tức, Việt Nam đã chuyển ưu tiên sang chống COVID-19 và đã có kết quả cụ thể. Từ tháng 2, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát mạnh, Việt Nam ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh.

Tiếp sau đó là loạt Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó COVID-19. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 với những sáng kiến cụ thể. Các hội nghị sau đó như Hội nghị cấp cao 36, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ASEAN đều bàn thảo về nỗ lực chung ứng phó đại dịch.

Bên cạnh ứng phó dịch bệnh, hợp tác của ASEAN vẫn được Việt Nam thúc đẩy. Ngay trước khi diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN 37, ASEAN đã ghi nhận sự tham gia của Colombia, Nam Phi và Cuba vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký biên bản ghi nhớ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại các mặt hàng thiết yếu.

Cho tới nay, các ưu tiên, sáng kiến của năm ASEAN 2020 đã cơ bản hoàn tất. Qua đó thấy sáng rõ một hình ảnh nước Chủ tịch ASEAN năng động, linh hoạt và sáng tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước