Sáng nay (4/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Thủ tướng Campuchia Hunsen, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong, Tổng thống Myanmar Thein Sein và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã tham dự Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7... nhằm thông qua "Chiến lược Tokyo 2015" với các phương hướng lớn cho hợp tác Mekong - Nhật Bản từ 2016 đến 2018.
Bên cạnh việc Nhật Bản tăng thêm vốn ODA cho các nước Mekong, hội nghị cũng khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo ghi nhận những kết quả quan trọng đã đạt được trong cả ba trụ cột hợp tác, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các nước Mekong, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, giao lưu nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra ba nội dung chính mà hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng trong thời gian tới đó là cần hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; Bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong và Bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2016 - 2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt "tăng trưởng chất lượng" tại tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với quan điểm chung của các nhà Lãnh đạo thể hiện trong Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015 về hợp tác Mekong-Nhật Bản. Thủ tướng nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại Biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây quan ngại sâu sắc và sự lên tiếng không chỉ của các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), của khu vực mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan cần tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không làm thay đổi nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; thúc đẩy việc sớm xây dựng Bộ quy tắc COC.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.