Quốc hội bắt đầu kiện toàn nhân sự chủ chốt của Nhà nước

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 30/03/2021 06:03 GMT+7

Quang cảnh Kỳ họp thứ 11. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Ngày 30/3, Quốc hội thảo luận báo cáo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội

Sáng 30/3, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Sau đó, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 ngày 30/3.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quốc hội bắt đầu kiện toàn nhân sự chủ chốt của Nhà nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ điều hành nội dung về công tác nhân sự

Sau khi thành lập Ban kiểm phiếu (Ban kiểm phiếu tiếp tục làm việc trong các lần bỏ phiếu quyết định nhân sự tiếp theo), Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Các đại biểu sau đó thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Ngành tòa án và kiểm sát chuyển biến tích cực, vượt nhiều chỉ tiêu

Trước đó, vào sáng 25/3, Quốc hội đã nghe các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo này.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống tòa án nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ xét xử đạt và vượt các chỉ tiêu yêu cầu quan trọng của Quốc hội giao với chất lượng cao. Các tòa án đã thụ lý hơn 2.433.000 vụ việc, giải quyết được gần 2.376.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6%.

Quốc hội bắt đầu kiện toàn nhân sự chủ chốt của Nhà nước - Ảnh 2.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5% đạt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp kết án oan người không có tội.

Còn theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, trong nhiệm kỳ qua, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố gần 375.900 vụ án hình sự; kiểm sát việc giải quyết gần 1.714.000 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hơn 33.000 vụ án hành chính.

Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; thông qua công tác kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm. Những trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỷ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm gần 53% so với nhiệm kỳ trước.

Thẩm tra các báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định, kết quả công tác của hai cơ quan trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tháo gỡ khó khăn, bất cập trong phòng chống ma túy

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vào chiều 30/3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật này vào ngày 24/3.

Phát biểu tại phiên thảo luận, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật.

Quốc hội bắt đầu kiện toàn nhân sự chủ chốt của Nhà nước - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo tiếp thu. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu nghiêm túc, tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự án Luật, đảm bảo tính khả thi khi Luật được ban hành. Trong buổi thảo luận ở hội trường, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật như: việc quản lý tiền chất ma túy, quản lý người nghiện ma túy, kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định trách nhiệm quản lý liên quan đến các cơ quan, cơ sở cai nghiện ma túy, việc chấp hành hình phạt tù của người từ 12 đến 18 tuổi, công tác cai nghiện ma túy cho người từ 12 - 18 tuổi, trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, các hình thức cai nghiện ma túy...

Những vấn đề trên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm định, các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và sẽ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và sẽ có báo cáo với Quốc hội quyết định việc thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) theo quy định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác phòng chống ma túy trong những năm qua; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong thời gian tới, huy động được sức mạnh tổng hợp của của hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy.

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi

VTV.vn - Chiều 24/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước