Ra đời giữa chiến dịch và là phần thưởng để tri ân công lao các chiến sĩ Điện Biên, đến nay, chiếc huy hiệu vẫn luôn là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ghi dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc.
Xuất hiện trên những di tích lịch sử, những công trình kỷ niệm về chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được coi là phần thưởng để tri ân, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới các chiến sĩ, Bác viết: "Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ". Các chú tán thành không?".
Chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được coi là phần thưởng để tri ân, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ.
Nhiệm vụ thiết kế huy hiệu vào thời điểm đó được giao cho 2 họa sĩ là Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích - những bậc đại thụ của nền mỹ thuật cách mạng. Có đường kính chỉ khoảng 2 cm, chiếc huy hiệu mang đầy đủ những hình ảnh biểu trưng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là hình ảnh rừng núi, cánh đồng lúa Mường Thanh, người chiến sĩ Điện Biên, lá cờ in dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng" và hình ảnh pháo cao xạ, vũ khí lần đầu xuất hiện ở Điện Biên.
"Ông cả đời vẽ về Bác Hồ và Điện Biên. Để vẽ một bức tranh, ông phác thảo nhiều, tìm nhiều hình. Để chọn được cái tối ưu nhất thì vẽ huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cũng như vậy, phải nêu bật được tinh thần chiến thắng", nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, con gái cố họa sĩ Mai Văn Hiến, cho biết.
Không chỉ là phần thưởng cao quý cho các chiến sĩ xuất sắc được trở về, sau chiến dịch, chiếc huy hiệu cũng được gửi tặng tới các thương bệnh binh, các gia đình anh hùng liệt sỹ; tri ân, trao truyền cho thế hệ mai sau ký ức về một thời kỳ hào hùng với những người đã không tiếc máu xương, góp phần làm nên một chiến thắng vĩ đại, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!