[Infographic] Tiêu chuẩn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

Tạ Hiển - Duy Nguyễn-Thứ ba, ngày 11/05/2021 06:43 GMT+7

VTV.vn - Tiêu chuẩn chung của người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

[Infographic] Tiêu chuẩn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân - Ảnh 1.

Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XV

Tiêu chuẩn chung của người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải có trình độ đào tạo đại học trở lên. Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương, chức vụ Giám đốc Sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên.

Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.

Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là Tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên…

Về độ tuổi, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử nói chung phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây.

Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ được tính tuổi công tác như nam, người ứng cử lần đầu sinh từ tháng 01/1966, tái cử sinh từ tháng 7/1963 trở lại đây…

Về tiêu chuẩn sức khỏe, được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 5/2021, cụ thể: Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe; Đối với cán bộ ở địa phương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Tỉnh ủy, Thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở y tế để khám sức khỏe.


Về tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Tiêu chuẩn chung của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải có trình độ đào tạo đại học trở lên (đối với cấp tỉnh và cấp huyện).

Ở cấp tỉnh, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Tỉnh ủy viên trở lên, đang giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên và đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Trưởng phòng hoặc tương đương trong các sở, ban, ngành ở cấp tỉnh trở lên.

Ở cấp huyện, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là Huyện ủy viên, giữ chức vụ từ Trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên và đã được quy hoạch Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; cán bộ ứng cử trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân phải giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên; ứng cử Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên và đã được quy hoạch vào chức vụ từ Phó trưởng phòng hoặc tương đương ở cấp huyện trở lên.

Ở cấp xã, cán bộ ứng cử Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách phải là cấp ủy viên, nơi nào có điều kiện thì bố trí ủy viên thường vụ đảng ủy cấp xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp xã.

Về độ tuổi, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây; nhân sự tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính từ tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019.

Riêng những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân…

Về tiêu chuẩn sức khỏe, được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến tháng 05/2021…

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có ý nghĩa chính trị như thế nào? Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có ý nghĩa chính trị như thế nào?

VTV.vn - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nơi cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước