Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng chưa được đưa vào khai thác, đồng thời có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.
Một số đại biểu cũng đề nghị tăng cường giải pháp quản lý ngân sách, quản lý đất đai và tài sản công, giảm bớt thủ tục hành chính để góp phần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
''Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh hiện nay. Riêng năm 2023 chỉ có một số đặc thù đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỉ đồng, cao hơn khoảng 23%). Các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài... Để đẩy nhanh vấn đề này, một số giải pháp như rà soát quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh'', Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!