"Lấy hiệu quả giảm nghèo làm tiêu chí đánh giá lãnh đạo"

Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn-Thứ năm, ngày 05/02/2015 20:04 GMT+7

Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.

Chiều nay (05/02), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020, đến cuối năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 7,8% xuống còn 5,8 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ trên 38% xuống còn trên 33%. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đến cuối năm nay sẽ chỉ còn dưới 5% và ở các huyện nghèo là 30%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo là gần 35.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo là gần 31.000 tỷ đồng. Gần 1/3 trong số này được sử dụng để mua bảo hiểm y tế cho gần 10 triệu người nghèo và cận nghèo. Trong 4 năm qua, nguồn lực cho giảm nghèo lên đến gần 154.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu – nghèo, chưa được thu hẹp nhất là ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ hộ nghèo gấp từ 1,6 - 2,5 lần so với bình quân cả nước.

Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện có tới 16 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc từ 51% trở lên. Trong đó, tỉnh Cao Bằng, Lai Châu và Lạng Sơn có tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc lên đến 98-99%. Qua giám sát, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện cứ 3 hộ ra khỏi diện nghèo thì có 1 hộ nghèo mới hoặc tái nghèo, ở nhiều nơi hộ cận nghèo còn cao hơn số hộ nghèo.

Tại Hội nghị, lãnh đạo một số tỉnh đề nghị, chính sách tín dụng nên là trụ cột cho công tác giảm nghèo trong thời gian tới. Theo đó, cần tăng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo vay với lãi suất thấp, chứ không cho vay không tính lãi hoặc hỗ trợ trực tiếp nhằm giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm vừa qua tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước vẫn giảm được gần 2%. Kết quả này đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước, góp phần ổn định chính trị xã hội và làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải ra sức khắc phục những vấn đề tồn tại. Trong đó, việc đầu tiên là phải tiếp tục rà soát chính sách để khắc phục cho được việc trùng lặp chính sách, phân tán nguồn lực, đi cùng với việc cần có chính sách để hỗ trợ những hộ cận nghèo để việc giảm nghèo được bền vững hơn.

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các địa phương phải quan tâm hơn nữa tới công tác giảm nghèo, trong đó phải dành ngân sách địa phương cho công tác này chứ không thể chỉ dựa vào ngân sách của Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Phải coi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải lấy hiệu quả của công tác giảm nghèo, coi đây là tiêu chí để đánh giá, hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, của chính quyền, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt lãnh đạo”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương trong năm nay phải quyết tâm thực hiện cho được những mục tiêu về giảm nghèo mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra. Theo đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 5,86% như hiện nay xuống dưới 5% và số huyện nghèo từ 33,2% xuống còn 30%.

Để thực hiện được các mục tiêu này, các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đồng thời phải nhận thức đúng về vai trò của công tác giảm nghèo. Bởi giảm nghèo và phát triển đồng đều là bản chất của chế độ và là giá trị cốt lõi của nhân loại, đã được nêu trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần hoàn thiện các chính sách để gắn việc xóa đói giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc với việc bảo vệ rừng đi cùng với việc có chính sách miễn thuế, hỗ trợ về đào tạo nghề cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng cũng khẳng định, chính sách của Chính phủ về giảm nghèo thời gian tới sẽ tập trung vào việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch và tiếp cận thông tin.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành rà soát chính sách theo hướng này, bảo đảm nguồn lực của Chính phủ để hỗ trợ theo hướng lồng ghép các chương trình về giảm nghèo chứ không phải bao cấp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ tăng tổng tín dụng cho các hộ nghèo và cận nghèo để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ này sản xuất.

Thủ tướng cũng yều cầu các Bộ, ngành chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và chuẩn bị thực hiện chuẩn nghèo mới từ năm tới trở đi theo hướng không tính chuẩn nghèo theo thu nhập tối thiểu mà là theo các tiêu chí tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch và tiếp cận thông tin.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước