Cứ 4 giây trôi qua lại có một người chết vì đói. Nạn đói của thế kỷ 21, khủng khiếp và nhiều người chết nhất là khu vực Đông Phi, nhưng nhiều người thiếu đói nhất là khu vực các nước đang phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương. Sản lượng lương thực khu vực này sản xuất ra chỉ chiếm 50% trong khi dân số lại chiếm trên 60% dân số thế giới.
Ngày 14/1, với tư cách là một trong 8 nước tham gia tích cực nhất vào sáng kiến “một Liên Hợp Quốc”, Việt Nam đã chính thức khởi động xây dựng chương trình Hành động Quốc gia “Không còn nạn đói”.
Sáng kiến “Không còn nạn đói” với 5 mục tiêu chính cần phải đạt tới năm 2025 gồm: 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng; hệ thống sản xuất kinh doanh phát triển bền vững; tăng năng suất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ; không có thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm.
Nạn đói vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến “Không còn nạn đói” của Liên Hợp Quốc. Với nguồn lực hạn chế, đất đai hạn hẹp, dân số không ngừng tăng, việc tham gia sáng kiến này đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao triển khai sáng kiến này. Và để thực hiện chương trình hành động này, các chuyên gia đã nhận định rằng, an ninh lương thực là một trong những chìa khoá mấu chốt.
Vậy một đất nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam vẫn đang đối mặt với những lo ngại gì về an ninh lương thực? Đây là một trong hai chủ đề của Vấn đề hôm nay ngày 14/1.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.