Bằng tình cảm, trách nhiệm trước thời đại, nhiều nhà văn, nhạc sĩ đã trở thành những người chép sử. Còn các ca sĩ, nghệ sĩ văn công, bằng lời ca tiếng hát của mình đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bộ đội quyết chiến và quyết thắng.
Trong ký ức của người lính năm xưa, ngoài những bi tráng còn có những giai điệu, lời hát.
"Những lúc nghỉ đánh một bài hát, ai hát đồng ca thì hát đồng ca. Nó thôi thúc tinh thần chiến đấu của bộ đội", nhạc sĩ Nguyễn Trọng, cựu chiến binh chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chia sẻ.
Những bài hát như: Qua miền Tây Bắc, Hò kéo pháo, Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên… ra đời ngay bên chiến hào.
"Không ai có thể viết lại được, toàn quân, toàn dân ra trận. Các nhạc sĩ cũng đang ở chiến trường nên đã ngấm, khi bùng lên là cứ tuôn trào", nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nói.
Phút giây nghỉ ngơi của bộ đội được ghi lại trong bộ phim tài liệu Việt Nam của nhà làm phim Liên xô Roman Karmen. Người kéo vĩ cầm giai điệu bài Cò Lả là nhạc sĩ Doãn Nho.
Năm 1958, 4 năm sau ngày chiến thắng, trở lại đồi A1, ông viết Tiến bước dưới quân kỳ, trở thành một trong mười bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng và cũng 9 năm ấy, rất nhiều những giai điệu được viết bằng cả tuổi trẻ, nước mắt và máu xương.
Qua năm tháng, các tác phẩm trở thành di sản tinh thần, lưu giữ tinh yêu, lòng tự hào và cả những ước mơ đẹp đẽ của những thế hệ con người Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!