Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 25/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Ngày 25/10, kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV tiếp tục làm việc về công tác xây dựng pháp luật.

Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Có phân quyền UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở?

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đã có 160 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Để có thêm cơ sở thực tiễn, cơ sở lý luận phục vụ việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức khảo sát, tổ chức các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều (102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, Mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quy định về Thanh tra sở là nội dung còn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Thanh tra sở. Một số ý kiến đề nghị không phân quyền vấn đề này cho UBND cấp tỉnh vì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất về tổ chức bộ máy. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp được thành lập Thanh tra sở để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, còn lại giao UBND tỉnh quyết định thành lập để phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022, dự thảo mới đây có nhiều chỉnh lý. Một trong những điều được chỉnh lý là không phân quyền hoàn toàn cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở.

Bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều trong dự án Luật Dầu khí

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với 113 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Đoàn công tác, khảo sát thực tiễn, hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương và 69 điều (trong đó, có 38 điều sửa đổi, bổ sung nội dung, 22 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 11 điều và giữ nguyên 4 điều).

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nêu rõ dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đã bảo đảm đến mức độ nào các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn của việc xây dựng dự án Luật về: thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trên thực tế. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh phát sinh các vấn đề mới trong quá trình triển khai thực hiện có nguyên nhân từ các quy định của Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật Dầu khí chỉ điều chỉnh điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn; hoạt động dầu khí trung nguồn (vận chuyển, tồn trữ và phân phối) và hạ nguồn (xử lý, chế biến) thực hiện theo quy định của các luật khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí vì tính chất đặc biệt của hợp đồng dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có thể kéo dài 20-30 năm, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền... Tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đồng thời, theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm thẩm định của Bộ Công Thương và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng dầu khí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước