Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VTV News-Thứ sáu, ngày 03/11/2023 06:06 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận cả ngày làm việc ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 25/8/2023, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 25. Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 31/8/2023, dự thảo Luật được báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ngày 29/9/2023, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26.

Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý (Phiên bản luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26) đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết số 18-NQ/TW).

Đồng thời, so với Luật Đất đai 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều quy định mới về quản lý sử dụng đất đai như: Bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường, vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai… Trong đó, một số chính sách về đất đai thay đổi sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường bất động sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;..

Luật đất đai có tầm ảnh hưởng lớn, chi phối điều tiết rất nhiều ngành luật khác có liên quan. Nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật được đề xuất từ việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị. Đặc biệt, đối với hoạt động của các doanh nghiệp thì Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật đấu thầu, Dự án Luật khai thác Tài nguyên và Khoáng sản có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn thì Luật đất đai sửa đổi cũng cần đảm bảo sự đồng bộ, tương thích của các luật liên ngành.

Khơi thông nguồn lực đất đai Khơi thông nguồn lực đất đai

VTV.vn - Nếu được thông qua trong kỳ họp 6 này, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để khơi thông nguồn lực đất đai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước