Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 31/05/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 31/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; phù hợp với các cam kết quốc tế có liên quan như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Về một số vấn đề quan trọng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng:

(1) Giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì.

(2) Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cơ bản tán thành với các nội dung khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật; nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

(3) Về bổ sung quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, Chính phủ đã bổ sung, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, phòng chống bạo lực gia đình

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngày 27/5. Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều. Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 03 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệvà hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thựchiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong khi đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 07 chương, 74 điều, quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (gồm: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện; quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm); về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, (bao gồm công khai thông tin ở cấp xã), trong cơ quan, đơn vị (bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị), trong doanh nghiệp(bao gồm quy định về công khai thông tin); nhân dân bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; người lao động quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp và quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước); về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân; về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, người đứng đầu cơ quan đơn vị, người sử dụng lao động, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo đảm và tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…

Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày

VTV.vn - Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị cấm tiếp xúc gần với nạn nhân khoảng cách 50m trở lên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước