Doanh nhân khẳng định vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế
13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, một ngày để tôn vinh các doanh nhân đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước.
Trong dịp này, cộng đồng doanh nghiệp đã đón nhận Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là sự động viên to lớn với đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay
Sau 37 năm đổi mới, hiện có khoảng 10 triệu doanh nhân, gần 900.000 doanh nghiệp, đóng góp 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 15 triệu lao động.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị được ban hành thời điểm này, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam Không ngừng lớn mạnh; trở thành lực lượng nòng cốt; góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Làm thế nào để khẳng định vị thế và tự tin hợp tác cùng thắng với các tập đoàn hàng đầu hàng đầu? Đó là trăn trở, cũng là quyết tâm của doanh nghiệp này khi bắt tay vào các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp chất lượng cao trong lĩnh vực ô tô, hàng không cách đây 10 năm.
Bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển, đòi hỏi các doanh nhân, doanh nghiệp càng phải nâng cao sức cạnh tranh về quy mô, năng lực và trình độ để khẳng định vai trò dẫn dắt, có vị thế trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu. Đây là yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết lần này.
Sau thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân vươn mình trong giải đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường, rồi khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại toàn cầu (WTO) ghi nhận sự vươn mình để hội nhập quốc tế… và nay, doanh nhân đang đứng trước vận mệnh vươn mình để xứng với quốc gia phát triển thu nhập cao có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế.
Đồng hành cùng doanh nhân
Có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam đang kiên cường trong cơn bão kinh tế thế giới khó khăn. Cũng như nhiều bước đường thử thách trước đây, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chứng minh càng khó khăn, càng thể hiện bản lĩnh, kiên cường.
Nghị quyết 41 cũng đã đặt ra chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các địa phương có thể chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ trong thẩm quyền, hoặc sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền: có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nhân trên địa bàn. Đây cũng là nội dung rất được mong chờ.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lạng Sơn có hơn 500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Lần đầu tiên, toàn tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp, với hàng trăm doanh nghiệp tăng vốn. Nhiều vướng mắc của DN, thời gian qua, đã được giải quyết thông qua đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hiệp hội doanh nghiệp.
Với những địa phương còn nhiều khó khăn, vai trò của doanh nhân doanh nghiệp lại càng quan trọng. Vì đây là lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, tạo công ăn việc làm và nguồn thu cho ngân sách. Nghị quyết đang được các địa phương xem như kim chi nam để tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp bền vững.
Doanh nghiệp đôi khi không mong mỏi những cơ chế gì quá cao xa hay tốn kém mà cần những cơ chế, hành động cụ thể. Nghị quyết 41 được xem là đã mở đường cho các địa phương hành động cụ thể hơn nữa, hỗ trợ cho những mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa; luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Thời gian qua, những chính sách được ban hành, triển khai sớm và kịp thời cho thấy: sự đồng hành, chia sẻ, lắng nghe với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: nhanh, mạnh và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!