Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị: Giải quyết bài toán phát triển năng lượng bền vững

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 22/07/2020 21:11 GMT+7

VTV.vn - Nghị quyết 55 với vai trò đặc biệt quan trọng đã và đang tháo những nút thắt trong phát triển năng lượng, giải quyết bài toán năng lượng phát triển bền vững cho Việt Nam.

"Tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia và giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch" - đây là những nội dung quan trọng được đưa ra tại phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam năm 2020 được tổ chức vào sáng 22/7 tại Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chủ trì diễn đàn. Ngoài các đại biểu tham gia trực tiếp, diễn đàn còn thu hút gần 1.500 đại biểu từ 63 điểm cầu trong nước và 30 điểm cầu quốc tế. Thông qua Diễn đàn này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình hành động cũng như các cơ chế, chính sách để triển khai cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết 55.

Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, từ nay đến năm 2025 mỗi năm cả nước cần từ 7 đến 10 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu tăng thêm 50.000 MW điện. Chính vì thế, Nghị quyết 55 đã xóa bỏ hàng loạt những rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Nghị quyết cũng xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia với định hướng phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo. Nghị quyết 55 đã mở ra một chiến lược mới với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

dien 2

Toàn cảnh Phiên toàn thể Diễn đàn. Ảnh:VGP/Đoàn Bắc

Với rất nhiều điểm mới như ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; giảm dần năng lượng than và tích cực sử dụng năng lượng khí; phân bổ năng lượng dựa trên lợi thế so sánh, vị trí, vai trò của từng địa phương, khu vực; ứng dụng khoa học công nghệ từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng; coi tiết kiệm năng lượng là một quốc sách của quốc gia; Nghị quyết 55 được đánh giá có nhiều điểm đổi mới, đột phá, một hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước giai đoạn tới.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo các bộ xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ trình thủ tướng chính phủ về Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia. Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII. Đây sẽ là nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới.

Trong phiên thảo luận sáng nay, các tham luận, thảo luận tại Diễn đàn đã làm rõ hơn quan điểm, định hướng lớn, những điểm mới mang tính đột phá của Nghị quyết 55. Kiến nghị hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật như Luật năng lượng tái tạo, hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng quốc gia. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành năng lượng. Đồng thời trao đổi và kiến nghị tạo lập cơ chế, chính sách hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế phát triển…

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị toàn diện và sâu sắc với các điểm mới nổi bật. Đó là xác định rõ và toàn diện hơn về nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và vai trò của phát triển năng lượng quốc gia, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp độc quyền, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch.

Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ KWh. Đáng chú ý, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Con đường từ định hướng cho tới thực tế chưa bao giờ đơn giản nhưng phải nhanh chóng hiện thực hóa Nghị quyết này. Đây là cơ hội để Việt Nam vượt lên bứt phá về kinh tế xã hội trong tương lai. Diễn đàn đã tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp để Nghị quyết 55 thực sự trở thành đòn bẩy cho ngành năng lượng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước