Hôm nay (22/01), 22 tham luận của các đại biểu thuộc các đoàn đại biểu các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng các cơ quan đã được trình bày tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Tại phiên thảo luận, nhiều tham luận của Đảng bộ các tỉnh, thành đã chia sẻ những bài học và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.
Tham luận "Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từ thực tiễn TP.HCM" của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh 5 nội dung chính trong việc định hình các giải pháp về nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, những ràng buộc về tính thống nhất của thể chế chưa cho phép thành phố này phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển của một đô thị đặc biệt và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, tới đây việc hoạch định và thiết kế thể chế cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng và đặc biệt là phải đẩy mạnh cải cách hành chính thì công cuộc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh mới đạt hiệu quả.
Trong đó, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cần tạo đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; quy định minh bạch 3 cơ chế về phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương; đồng thời, tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tập trung hơn nữa vào 3 nhiệm vụ: Hoạch định chính sách; Ban hành các quy định và Kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm".
Thay mặt đoàn đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trình bày tham luận "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng". Tham luận nhấn mạnh, để thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi vào cuộc sống, điều đầu tiên phải hoàn thiện thể chế, rà soát mô hình tổng quát cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước. Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, phải xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta.
Một nhân tố quan trọng khác cũng được đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giải pháp phát triển đồng bộ, tạo điều kiện để sớm hình thành một số thị trường mới như thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thị trường mua bán nợ, thị trường khoa học công nghệ, chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu. Một trong những đột phá để hoàn thiện thể chế đó là việc cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Đây cũng là trọng tâm được nhấn mạnh trong tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Theo đó, để cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp triệt để về nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành và nghiêm túc thực hiện khung tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thông qua ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin; qua đó, nâng cao trách nhiệm, chất lượng và đảm bảo thời gian tham mưu, xử lý các văn bản phục vụ chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã đề ra và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy định "3 không" trong giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân, bao gồm: không phiền hà sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình giải quyết công việc; không trễ hẹn theo quy định; đồng thời, theo dõi, thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều công chức, cán bộ trong bộ máy có biểu hiện sách nhiễu, gây khó khăn trong xử lý công việc cho cá nhân, tổ chức, tạo được sự đồng thuận và đánh giá cao của nhân dân và doanh nghiệp.
Cũng nhấn mạnh đến giải pháp về cải cách hành chính, tham luận của Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng đã đề cập đến việc tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó Quảng Ninh đã xác định đổi mới hệ thống chính trị phải được thực hiện đồng bộ giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhiều nhóm giải pháp trong đó nhấn mạnh đến giải pháp "sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo, bằng cách: sáp nhập các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau hoặc tương đồng có thể bổ sung hỗ trợ cho nhau theo hướng "một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm. Kết quả, sau hơn 1 năm thực hiện đã giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 91 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương; tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, lãnh đạo, hiệu quả của bộ máy".
Về thực hiện tinh giản biên chế, đến nay Quảng Ninh cũng đã cơ cấu, rà soát sắp xếp lại và nâng cao chất lương đội ngũ cán bộ công chức viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh vị trí, thực hiện tinh giản hơn 1.600 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; thực hiện kiêm nhiệm nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.
Quảng Ninh cũng tập trung việc thực hiện cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện theo nguyên tắc tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ, bảo đảm thuận tiện công khai minh bạch. Đến nay, hơn 99% số hồ sơ được giải quyết đúng hạn, 98% người dân được hỏi ý kiến hài lòng.
Tham luận "Phát triển kinh tế biển đảo, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia" của ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, một tỉnh có hơn 130km bờ biển, khẳng định: "Nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đảo trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, đây cũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Trung ương có chủ trương đầu tư xây dựng, hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển".
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cũng nhấn mạnh: "Việc đầu tư xây dựng hiện đại hóa các cảng biển phải gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển. Về lâu dài cần đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng. Thứ hai, có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngày mai (23/01), Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XII và nghe báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XII.