Trên cương vị người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên.
Về địa lý, Việt nam và Nhật Bản không quá gần nhưng cách đây hàng trăm năm, nhân dân hai nước đã có những mối quan hệ thân tình. Đến nay, đô thị cổ Hội An vẫn lưu giữ những công trình, dấu ấn của các thương gia Nhật. Lịch sử Việt nam vẫn ghi lại đầu thế kỷ 20, các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã đến Nhật Bản để tìm đường làm cách mạng. Và mặc dù trong lịch sử hai nước cũng đã có những giai đoạn thăng trầm nhưng với tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo cũng như của nhân dân, quan hệ hai nước đã có những bước tiến triển mạnh mẽ trên cơ sở hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Với nhiều lợi ích cơ bản tương đồng, các nhà lãnh đạo hai nước luôn xác định sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia. Do vậy, đối với Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, và Nhật Bản cũng luôn bày tỏ quan điểm coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình.
Chưa đến bốn ngày ở thăm Nhật Bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chương trình làm việc dày đặc, phong phú với 26 hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cao cấp và các giới của Nhật, trong đó quan trọng nhất là cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Với việc thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe đã đạt được những cam kết toàn diện mang tính định hướng chiến lược giữa hai nước, đồng thời cụ thể hóa ngay bằng những dự án hợp tác cụ thể, thiết thực.
Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, 6 văn bản đã được ký kết và trao đổi giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác an ninh, cung cấp vốn ODA, thu xếp tài chính cho hàng không. Trong đó, ký kết "Tầm nhìn chung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản" là đáng chú ý. Nông nghiệp đã trở thành một trong những lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Với mối quan hệ tốt đẹp và tin tưởng nhau như hiện nay, nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội khi phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ để xây dựng những vùng nông sản chất lượng cao thì đây sẽ là một lợi thế tạo bước đột phá trong chương trình xây dựng nông thôn mới của nước ta.
Một điểm nhấn trong chương trình thăm Nhật bản là cuộc trao đổi giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khoảng 500 người đại diện cho các tầng lớp xã hội là những chính khách, học giả, nhà nghiên cứu… Tại đây, Tổng Bí thư đã tái khẳng định quan điểm: Đối với Việt Nam, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam, là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhau, kết nối hai nền kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận trong chuyến thăm này của Tổng Bí thư. Kết nối hai nền kinh tế với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên cơ sở điều phối tổng thể các hoạt động hợp tác.
Hợp tác kinh tế là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Tại các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch các tập đoàn lớn của Nhật như Sumitomo, Mitsubishi Thương mại, Taisei, Công nghiệp nặng Mitsubishi, các doanh nghiệp Nhật đều đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Theo khảo sát của Hội Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp nước này đều có nhu cầu tiếp tục mở rộng kinh doanh làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Đứng thứ hai đầu tư vào Việt nam với hơn 37 tỷ USD, hiệu quả đầu tư của Nhật Bản luôn được đánh giá cao vì chất lượng, hiệu quả, lâu dài và bền vững.
Trao đổi với Tổng Bí thư, Lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) - một tổ chức có ảnh hưởng ở Nhật Bản, thường xuyên tư vấn chính sách kinh tế cho Chính phủ - đã cho biết, đối với các doanh nghiệp nước này, Việt Nam là địa bàn chiến lược để xây dựng chiến lược phát triển trong chuỗi cung ứng hướng tới Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Tổng Bí thư kêu gọi, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng.
Qua chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tăng cường tin cậy chính trị tiếp tục được củng cố và bền chặt hơn. Tại các cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Masaaki Yamazaki, lãnh đạo các Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Đảng Dân chủ Nhật bản, Đảng Cộng sản Nhật bản, Đảng Komei..., dù ở vị trí khác nhau hay các đảng phái đối lập nhau nhưng tất cả đều ủng hộ tích cực đường lối phát triển toàn diện với Việt Nam. Mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng Hạ viện và Thượng viện Nhật đều ủng hộ Chính phủ nước này ưu tiên giành ODA cho Việt Nam. Hiện nay, Nhật Bản đứng đầu trong danh sách cung cấp ODA cho Việt Nam, đóng góp 30% trong tổng số 90 tỷ USD. Lần này, Đảng Cộng sản Việt nam cũng ký Bản ghi nhớ về hợp tác với Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và Đảng Dân chủ Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ với các chính đảng nước này.
Đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã đạt được nhiều nhận thức chung, trong đó có nhận thức về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Hai bên đều thống nhất về tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito. Hoàng gia Nhật Bản luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhà vua Nhật Bản Akihito cho biết, Thái tử Naruhito, Hoàng tử Akishino và Công nương đã đến thăm Việt Nam và có ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước và nhân dân Việt Nam. Phát biểu với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thái độ thiện cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau. Hiểu về con người, hiểu về văn hóa là một trong những nền tảng quan trọng để những lĩnh vực hợp tác khác được phát triển bền vững và lâu dài, đồng thời tạo nên chiều sâu của mối quan hệ chân thành và gắn bó giữa hai dân tộc.
Tiết mục biểu diễn của các em học sinh trường cấp 3 Kashiwa của thành phố Yokohama trong lễ khai mạc Sự kiện Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Kanagawa cũng đúng vào dịp Tổng Bí thư thăm địa phương này. Với chủ đề "Vì một Việt Nam ở phía trước", Sự kiện Việt nam được tổ chức bởi lời hứa của Thống đốc tỉnh Kanagawa trong lần sang thăm Việt Nam vào năm ngoái. Trong 3 ngày tổ chức, trên các đường phố lớn của thành phố Yokohama sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động từ giới thiệu các cơ hội đầu tư kinh doanh, quảng bá du lịch Việt Nam đến một loạt các lễ hội như lễ hội áo dài, lễ hội lồng đèn, lễ hội hoa, ẩm thực… Thủ tướng Shinzo Abe cũng như nhiều người dân Nhật Bản khác có những ấn tượng đặc biệt với ẩm thực Việt nam. Trong tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư tại Dinh thự riêng, Thủ tướng đã giản dị chia sẻ: "Tôi thích ăn phở Việt Nam". Và từ ngày 17/9, những đặc sản cây trái như xoài Việt Nam đã bắt đầu hiện diện trên bàn ăn của người Nhật cũng như những trái thanh long đang tìm đường để xuất khẩu vào thị trường nước này.
Nhật Bản là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức trong năm nay với mục tiêu đưa các mối quan hệ với các nước lớn đi vào chiều sâu, qua đó góp phần định hướng về tầm nhìn hợp tác lâu dài, toàn diện, hiệu quả và bền vững trong những năm tiếp theo.
Trích dẫn câu nói của Nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Yoshida Shoin: "Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, những kết quả đã đạt được trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này sẽ là một xung lực mới tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành mối quan hệ "tâm đầu ý hợp", "tin cậy" và "đồng cảm".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!